Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ ra nguyên nhân khiến giá thịt lợn vẫn cao ngất ngưởng
- Tây Y
- 20:25 - 08/04/2020
Trao đổi với báo chí Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc lợn hơi giảm còn 70.000 đồng/kg, nhưng giá thịt mảnh đến tay người tiêu dùng vẫn "neo" ở mức cao, có loại trên 200.000 đồng/kg.
Trước tiên, nguồn cung thịt lợn trong nước hiện chưa đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Lý do là bởi trước khi có dịch, mỗi quý Việt Nam cần 910.000 tấn thịt lợn, vừa qua mới đạt 820.000 - 830.000 tấn. Theo Bộ trưởng Cường, phải đến quý IV chúng ta mới đạt được sản lượng đủ.
Thứ hai, giá thành sản xuất thịt lợn cao do phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.
"Còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá xuống thấp như chúng ta mong muốn", ông Cường cho biết.
Thêm vào đó, hiện mới có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4 chưa đủ sức chi phối thị trường.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ ra phương án cần tập trung vào gốc rễ vấn đề là đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để giảm bớt khâu trung gian, làm sao đưa thịt lợn đến tay người tiêu dùng một cách ngắn nhất.
"Chúng ta phải nhập khẩu. Thời gian tới đây cần tiếp tục nhập khẩu lượng thịt lợn trong chừng mực để bù đắp phần còn thiếu của thị trường. Ngoài ra, hướng dẫn người dân tiêu dùng, lựa chọn các sản phẩm khác để không tạo áp lực về mỗi mặt hàng thịt lợn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ 1/4, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo như Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty GreenFarm cùng 12 doanh nghiệp khác đồng loạt cho biết đã giảm giá lợn hơi xuống còn 70.000 đồng một kg.
Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá bán, tăng đàn, tái đàn, đồng thời cho phép tăng nhập khẩu thịt lợn để kéo giá xuống.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ những thương lái chuyên mua lợn ở Đồng Nai cho biết, hiện tại giá lợn hơi đang ở mức 73.000 đồng một kg, giảm 2.000 đồng so với cách đó một tuần. Tuy nhiên, qua các kênh phân phối nên giá thịt lợn cũng bị đẩy lên cao.
"Hiện tại, ở các chợ dân sinh, nhiều tiểu thương dù nhập thịt lợn với giá thấp nhưng vẫn bán giá cao do họ không bị kiểm soát nên từ trước đến giờ khâu trung gian như vậy là đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất", anh Nguyễn Vũ, một thương lái chuyên mua lợn giải thích.
Cũng giống quan điểm anh Vũ, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, khâu trung gian phân phối đang là đối tượng "nắm giữ" giá thịt heo.
Khi giá tăng, họ nhanh chóng đẩy giá lên. Ngược lại, lúc giá thịt heo giảm họ vẫn giữ mức cao với lý do chi phí cộng thêm tăng mạnh. "Khâu này, cơ quan Nhà nước vẫn đang quản lý lỏng lẻo", ông nhìn nhận.
Theo khảo sát tại các chợ dân sinh Hà Nội, giá thịt lợn trong 2 ngày gần đây bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ.
Cụ thể, tại chợ Vĩnh Hồ, Nam Đồng hay Thái Hà giá các loại thịt đã giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Trong đó, giá thịt mông sấn, vai, chân giò... cũng dao động 130.000 đồng/kg - 150.000 đồng/kg tuỳ từng sạp, giá thịt lợn ba chỉ được các tiểu thương niêm yết từ 130.000 - 140.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg), sườn cũng giảm từ 180.000 đồng/kg xuống 165.000 đồng/kg. Tuy nhiên mức độ chênh lệch không lớn.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc khá im ắng sau, một vài nơi giảm nhẹ, sau khi giảm 5.000 đồng/kg hôm qua. Tuy nhiên, so với ngưỡng yêu cầu thì giá heo tại đây vẫn đang nằm trong khoảng từ 75.000- 78.000 đồng/kg.