THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:37

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiều chính sách tài khóa khoan thư sức dân

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ngày 13/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 theo hình thức trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Kinh tế chững lại, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, những tháng đầu năm 2023, kinh tế tăng trưởng chậm lại đã tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã rất nỗ lực trong điều hành chính sách tài khóa, đảm bảo nguồn thu đáp ứng các nhiệm vụ chi.

Đồng thời, ngành Tài chính thực hiện nhiều chính sách tài khóa khoan thư sức dân. Quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành trong năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng.

“Ngành Tài chính đã rất nỗ lực điều hành trong bối cảnh kinh tế chững lại, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tính chung vẫn đạt 54%, đảm bảo tiến độ thu ngân sách so với dự toán. Đây cũng là yếu tố phải tính đến trong xây dựng dự toán ngân sách năm 2024” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Ngoài chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ngành Tài chính đã quản lý chặt chẽ, hiệu quả nợ công. Tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với tổng sản phẩm quốc dân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, giảm từ 44% GDP vào năm 2021 xuống còn khoảng 38% GDP vào năm 2022. Đây là một điểm sáng trong điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Dự báo nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định: "Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, phải thực hiện miễn giảm nhiều loại thuế, phí, song ngành Tài chính cũng đã phấn đấu quyết liệt với nhiều biện pháp nghiệp vụ cụ thể để phấn đấu thu đạt yêu cầu dự toán (6 tháng thu được 54% dự toán, phấn đấu cả năm đạt dự toán); giữ vững cân đối ngân sách nhà nước".

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, dự báo nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm, trong đó có mục tiêu của ngành Tài chính.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương cũng phải đề cao quyết tâm, cùng góp sức, cùng phối hợp chặt chẽ với ngành Tài chính, thực hiện nhất quán phương châm điều hành của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

Một nhiệm vụ nữa là tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa đã ban hành, nhất là chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.

Đặc biệt, ngành Tài chính cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định.

Liên quan đến công tác quản lý giá, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu do Nhà nước định giá; 

Bộ Tài chính cũng cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, nhất là trong quản lý hóa đơn điện tử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh