THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:44

Nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tiến trình phát triển và các cam kết quốc tế

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam 

 

Buổi tiếp được thực hiện theo đề nghị của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu các ưu tiên về chính sách, xây dựng kế hoạch hợp tác trong giai đoạn tới, đẩy mạnh việc triển khai EVFTA; việc chuẩn bị của Việt Nam đối với các cam kết lao động trong EVFTA; các công việc chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định và khả năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực lao động và xã hội; tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và EU.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò quốc tế của Liên minh châu Âu và hoan nghênh Liên minh châu Âu đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua. Khẳng định EVFTA có tiêu chuẩn cao, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã và đang chuẩn bị tích cực cho việc thực thi và thông qua hiệp định này .

Bộ trưởng thông tin nhanh các lĩnh vực của ngành, đồng thời cũng cho biết hiện nay, Chính phủ đã chính thức giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đây là định hướng phát triển bền vững nhằm giải quyết nhu cầu tạo việc làm và giảm tình trạng thất nghiệp. “Bộ xác định giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực trọng tâm có tính đột phá, theo đó cần phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để xác định chuẩn kiểm định nghề và chuẩn của giáo viên dạy nghề. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Cộng hòa liên bang Đức trong việc đưa thực tập sinh và điều dưỡng viên sang Đức”.

Thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn, với thế mạnh của Châu Âu, ngài Đại sứ tiếp tục hỗ trợ đắc lực, hiệu quả và thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Cùng với đó, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế và đây cũng là một lĩnh vực ưu tiên của Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ Việt Nam. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị EU hỗ trợ để xây dựng một cơ chế hợp tác hiệu quả, thiết thực, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đối với công cuộc thúc đẩy an sinh và phát triển xã hội.

Về các cam kết lao động trong EVFTA, Bộ trưởng khẳng định “Việt Nam cam kết hoàn thiện Bộ luật Lao động phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”.


Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH sẵn sàng ngồi với EU để cùng nhau thống nhất các công việc cần làm trong Lộ trình thực hiện EVFTA và trình lên Lãnh đạo cấp cao phê duyệt. Và hi vọng, EU cũng sẽ có những hỗ trợ đối với Việt Nam trong tiến trình này.

Theo Bộ trưởng, với hình ảnh một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh… Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan để phù hợp với tiến trình phát triển và các cam kết quốc tế.

Và cuối cùng, Bộ trưởng mong muốn, Đại sứ Bruno Angelet là cầu nối quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn và thực thi EVFTA nhằm đảm bảo mang lại lợi ích cho hai bên.

Đánh giá cao các nỗ lực của Việt nam trong quá trình đi đến hoàn tất cho sự chuẩn bị để có thể phê chuẩn Hiệp định này, Đại sứ Bruno Angelet khẳng định phụ thuộc vào sự linh hoạt của hai bên Việt Nam và EU. “Với cách tiếp cận như thế, kể từ khi hai bên ký kết Hiệp định đến khi ký phê chuẩn chính thức bởi Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn”, Đại sứ nói.

Đại sứ cũng cho rằng, với EVFTA, Việt Nam có cơ hội ký kết với Châu Âu một Hiệp định toàn diện, đem lại lợi ích thương mại cũng như những lợi ích khác. Đại sứ cũng bày tỏ, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và Hiệp định Thương mại Tự do EU- Việt Nam dự kiến sẽ sớm được ký kết, sẽ là xung lượng tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư trong những năm tới.

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Mặc dù sẽ phải tuân thủ các thủ tục theo quy định của mỗi bên, cả Việt Nam và EU đều khẳng định sẽ nỗ lực hết sức hoàn tất rà soát pháp lý, tiến tới ký kết, phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 như mục tiêu đặt ra.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh