THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:38

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị.

Sáng 18/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị cán bộ công chức viên chức năm 2020.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan và Nguyễn Thị Hà; đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, đại diện Công đoàn viên chức Việt Nam...

Đưa ra những chính sách, giáp pháp kịp thời, hiệu quả

Đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành trong năm qua, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, đóng góp vào thành công đó có vai trò nòng cốt trong tham mưu của 14.000 cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống của ngành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng báo cáo kết quả thực hiện năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Nhìn lại năm qua, theo Lãnh đạo Bộ, 2020 là một năm đặc biệt, nhiều khó khăn, thách thức; một năm thiên tai bão lũ, lũ chồng lũ, bão chồng bão, rồi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Song trong khó khăn đó, ngành đã nhanh chóng đưa ra những chính sách, giáp pháp kịp thời, hiệu quả ngay từ đầu năm.

"Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của toàn dân, trong đó có ngành LĐ-TB&XH, chúng ta đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước, góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Điều đó thể hiện ở tỷ lệ thất nghiệp thấp so với thế giới, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, minh bạch; niềm tin trong xã hội được nâng cao.

Để minh chứng, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH viện dẫn đánh giá khảo sát mới nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 9/2020 cho thấy, 5 năm qua, niềm tin của nhân dân về các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam tăng từ 58% lên 68%, và đứng thứ 4 trong 32 chỉ tiêu mà khảo sát đánh giá. "Đây là điều đáng mừng", ông nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước  - Ảnh 3.

Thực hiện ký kết giao ước thi đua, đại diện là đồng chí Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng Bộ và đồng chí Hoàng Thị Thu Huyền - Chủ tịch Công đoàn Bộ.

Bên cạnh đó, đến nay, 100% đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách. 

Đáng chú ý, năm 2020 khó khăn như vậy nhưng Bảo hiểm xã hội tự nguyện phát triển đạt được cao nhất từ trước đến nay. (Năm 2019 bằng 10 năm về trước. Riêng năm 2020, gấp 3 lần năm 2019. Đến nay đã đạt 1,1 triệu người tham gia).

"Điều đó cho thấy tư duy, cách thức chỉ đạo đã có nhiều đổi mới, cần tổng kết để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng nêu quyết tâm, năm 2021 phấn đấu chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm 1 triệu nữa.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước  - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội nghị.

Giai đoạn 2016 - 2020: Hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ

Bộ trưởng cũng lưu ý những mặt tồn tại như trong Báo cáo Hội nghị đã nêu, trong đó cần xác định vai trò của người đứng đầu đơn vị và có hướng khắc phục, làm sao để phát huy tính sáng tạo, công tác tham mưu, đề xuất, nêu ý tưởng sáng kiến của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện và hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch 5 năm cho giai đoạn tiếp theo, Bộ xác định phương châm hành động năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước  - Ảnh 5.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Danh hiệu Thầy thuốc Nhân nhân, Thầy thuốc Ưu tú cho các cá nhân tại Hội nghị.

Với mục tiêu chung: Bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Mặt khác, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng mong muốn toàn ngành thực sự đoàn kết, kỷ cương, đặt lợi ích của Bộ, đơn vị lên trên để xây dựng tập thể Bộ thực sự là "hiện thân lòng nhân văn" như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước  - Ảnh 6.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân.

Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, toàn ngành đã cùng cả nước vượt qua năm 2020 đầy khó khăn, thử thách, đạt những kết quả quan trọng, có dấu ấn đặc biệt; góp phần cùng cả nước thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.

Theo đó, 2020 là năm thứ 5 liên tiếp toàn ngành hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội bảo đảm đồng bộ, khả thi và hội nhập.

Trong đó, tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Đáng chú ý, Bộ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước  - Ảnh 7.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Huân chương Lao động cho các cá nhân.

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội. Tuyển sinh 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch. Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo 2,19 triệu người. 

Hiện cả nước có 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 35,8%.

Thể chế thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch.

Tính chung cả năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61% (đạt mục tiêu); tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 dự kiến đạt 64,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5% (riêng tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo có bằng, chứng chỉ dự kiến đạt 26,5%).

Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động; an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Đến nay, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin, cả nước hiện có khoảng 16,047 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 15,033 triệu người; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,013 triệu người); trên 13,27 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

"Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đời sống người có công và thân nhân được nâng cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). 99,7% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú", Thứ trưởng cho biết.

Ngoài ra, các lĩnh vực xã hội hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) cuối năm 2020 là 2,75%, riêng các huyện nghèo giảm còn dưới 24%. 

Thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh. Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt nhiều kết quả tích cực, vai trò, địa vị của phụ nữ được củng cố và nâng cao. Công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Cùng với đó, hoàn thành tốt công tác kế hoạch, tổng hợp, văn phòng, tài chính, thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế, thông tin tuyên truyền và các hoạt động sự nghiệp; cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong cơ quan Bộ.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa tổ chức chính quyền với tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên ở Bộ và các đơn vị được duy trì thường xuyên theo đúng quy chế làm việc và quan hệ công tác của Bộ.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Về các chỉ tiêu, nhiệm vụ đăng ký thi đua, Thứ trưởng khẳng định đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ chính trị năm 2020; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, văn hoá công sở, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính.

Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết giao ước thi đua năm 2021 và trao các Danh hiệu của Chủ tịch nước và Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Thành Công - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh