THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:55

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2022, thực hiện tốt 3 chữ An: An sinh- An dân- An toàn

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Thưa Bộ trưởng, năm 2021 là năm có rất  nhiều tác động tiêu cực bởi sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng đánh giá công tác an sinh xã hội thực hiện trong năm vừa qua thế nào?

Đại dịch Covid-19 về bản chất đó là khủng hoảng về y tế dẫn đến khủng khoảng về mặt xã hội, trong đó có thể nói rằng vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước kiên trì thực hiện phấn đấu 3 trụ cột  cơ bản: vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Cho đến nay, nhìn một cách tổng quát, có thể nói rằng trong muôn vàn khó khăn như vậy nhưng chúng ta đã thực hiện các cái giải pháp, các kết quả về triển khai an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động cho đối tượng yếu thế và các lực lượng khác trong xã hội tương đối tốt. Đặc biệt là triển khai đồng bộ tất cả các chính sách liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội, chăm lo cho người có công với cách mạng và thực hiện các chính sách chăm lo cho đời sống cũng như nâng lương cho lực lượng hưu trí, nhất là người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có mức lương thấp. Trong những ngày cuối năm 2021, chúng ta cũng đã hoàn thiện được Đề án về khôi phục và phát triển thị trường lao động cũng như triển khai đồng bộ tất cả các chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Cho đến nay, có thể nói rằng đời sống của người dân, người lao động cơ bản được phục hồi, ổn định và có bước phát triển tương đối tốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu Quốc hội tại Phiên họp Quốc hội bất thường lần nhất

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu Quốc hội tại Phiên họp Quốc hội bất thường lần nhất

Thưa Bộ trưởng, việc chăm lo cho hơn 40 triệu người lao động và những người có hoàn cảnh khó khăn trong năm vừa qua là không hề đơn giản. Và để có thể làm tốt được công tác an sinh xã hội trong thời gian qua thì đã có những chính sách ra đời một cách thần tốc?

Năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành 3 nhóm chính sách cơ bản

Đối với nhóm chính sách thường xuyên, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 20 về  chính sách bảo trợ xã hội, chính sách này quét tới gần 4 triệu người.

Thứ hai là tham mưu Nghị định 75 để điều chỉnh chính sách đối với 9,8 triệu người có công với cách mạng cũng có hiệu lực trong năm nay.

Thứ ba là tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành hai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động mà có thể nói rằng đây là chính sách chưa từng có trong tiền lệ. Những chính sách này ban hành với một tốc độ khẩn trương nhất, nhanh nhất trong điều kiện có thể nhưng thủ tục thì cũng thông thoáng nhất.

Tôi đã nhiều lần nói là anh em làm ngày làm đêm với tinh thần tất cả vì người dân, thực hiện nguyên tắc của Đảng là không để ai bị đói ăn, thiếu mặc. Vì vậy, sau một thời gian rất ngắn, báo cáo cấp có thẩm quyền, rồi  được Quốc hội cho phép, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116. Cho đến nay mới chỉ có hơn 4 tháng nhưng chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đề ra trong hai Nghị quyết này. Đến giờ này thì đã giải ngân 76.029 tỉ đồng, số người được thụ hưởng là trên 44 triệu người. Nhưng điều quan trọng hơn phải nói rằng, nếu như hàng năm, bình thường chúng ta chỉ có thể hỗ trợ đặc biệt, đặc thù hay hỗ trợ đột xuất khoảng 1 triệu người thì năm nay chúng ta đã hỗ trợ tới 44 triệu người, hỗ trợ này trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do phải cách ly, giãn cách, ai ở đâu ở đấy. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề như vậy mà đòi hỏi  thủ tục phải rất đơn giản, rất nhanh. Như  thế có thể thấy được quyết tâm chính trị rất cao của các đồng chí lãnh đạo, của các cấp, các ngành, đặc biệt là của TP.HCM, Hà Nội và 23 tỉnh thực hiện giãn cách cũng như tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong ngành LĐ-TB&XH để chúng ta có được kết quả như ngày hôm nay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết cho người có công tại Thanh Hóa

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết cho người có công tại Thanh Hóa

Có thể nói là năm 2021 là năm vô cùng khó khăn đối với ngành LĐ-TB&XH nhưng ngành đã có những nỗ lực vượt bậc và được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết ngành. Tuy nhiên, là Tư lệnh ngành, điều gì vẫn làm Bộ trưởng trăn trở trong năm vừa qua?

Điều tôi băn khoăn và cũng là những điều cần chú ý trong thời gian tới.

Thứ nhất là thông qua dịch bệnh này thì rõ ràng chúng ta phải nghĩ đến vấn đề là phải xây dựng được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững. Và mạng lưới an sinh này làm sao để thực hiện được ba mục tiêu là phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn được các rủi ro cho người dân.

Thứ hai là phải xây dựng được một thị trường lao động tương đối đồng bộ, lành mạnh và phát triển theo hướng lại có thể hội nhập với thế giới

Thứ ba là điều dư luận bức xúc mà nhất vào những ngày cuối năm này đó là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, phụ nữ. Đây là những vấn đề mà trong năm 2022 phải rất chú trọng.

Xin Bộ trưởng cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay?

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành thì tôi xác định có ba từ An.

Thứ nhất là An sinh.

Thứ hai là An dân

Thứ ba là An toàn

Ba chữ An này sẽ bao trùm đầy đủ mà nếu chúng ta thực hiện tốt được 3 chữ An thì tôi tin rằng việc phục hồi kinh tế xã hội theo chương trình mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra hoàn toàn có thể đạt được,

Và muốn như vậy thì đối với ngành LĐ-TB&XH phải tập trung vào 2 nhiệm vụ có tính chất chiến lược đó là triển khai nhanh nhất, có hiệu quả nhất chương trình phục hồi về mặt xã hội đặc biệt là phục hồi thị trường lao động và phục hồi  đời sống của người dân, làm nền tảng để thực hiện 3 chữ An

Thứ hai là phải tập trung xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ nhưng phải hướng tới tất cả mọi đối tượng với hai trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó tạo cho ra sự phát triển bao trùm, bền vững và tạo việc làm thỏa đáng cho người lao động

Từ hai vấn đề trọng tâm như vậy thì ngành phải làm gì?

Điều đầu tiên là ngay những tháng đầu năm phải triển khai thật tốt 6 nội dung trong chương trình phục hồi về mặt xã hội, trong đó quan tâm rất căn bản đến vấn đề nhà ở cho người lao động, phải giải ngân được, hỗ trợ người lao động ở các khu công nghiệp, nhất là các vùng trọng điểm kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Thứ hai là phải tập trung xây dựng được dự báo cung cầu lao động để làm nền tảng phát triển thị trường lao động. Đồng thời, thực hiện thật tốt Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thứ ba là phải tạo ra một môi trường thực sự lành mạnh để thực hiện bình đẳng giới, tiến bộ cho phụ nữ, chăm lo cho trẻ em.

Thứ tư là năm 2022, Bộ sẽ phải tạo ra một sự đột phá rất mạnh mẽ trong chuyển đổi số tập trung vào các lĩnh vực cơ bản: xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo  cung cầu lao động, thị trường lao động, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dữ liệu toàn bộ hệ thông an sinh, số hóa trong quản lý hồ sơ đối tượng chính sách…

Cuối cùng là phải tạo một sự đồng bộ trong giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp phải linh hoạt, phải “động”, “mở” và phải gắn với thị trường lao động cả trong nước và ngoài nước. 

Tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em là một trong những vấn đề mà người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh cần phải đặc biệt lưu ý trong năm 2022

Tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em là một trong những vấn đề mà người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh cần phải đặc biệt lưu ý trong năm 2022

Để có thể thực hiện tốt ba Chữ An, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tập trung vào những giải pháp nào có tính đột phá?

Về giải pháp đột phá thì năm nay ngành tập trung hai việc.

Một là phải tập trung cao nhất cho xây dựng thị trường lao động. Mà muốn thị trường lao động ổn định thì việc đầu tiên là phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp; Tập trung hình thành một hệ thống cung- cầu lao động,  đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để làm sao nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên. Hiện nay chúng ta có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% là có chứng chỉ  bằng cấp. Mà một đất nước muốn phát triển được thì đào tạo lao động chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Năm 2022 phải đặt nền móng để đào tạo lao động chất lượng cao.

Điều thứ hai tôi vẫn nhắc lại là phải xây dựng được một hệ thống an sinh để mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả.

Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần, tôi xin gửi lời chúc tới tất cả mọi người một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc và xin được gửi tới các gia đình chính sách và những đối tượng yếu thế lời chúc Xuân tốt đẹp nhất!

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

CHÂU GIANG (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh