Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2022 tập trung cao độ cho chuyển đổi số trong toàn ngành
- Tây Y
- 06:57 - 17/01/2022
Đây là thông điệp được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị Cán bộ công chức viên chức Bộ LĐ-TB&XH năm 2021 vừa diễn ra. Tại đây, Bộ trưởng nêu rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.
Tạo một "hệ thống số" đồng bộ về an sinh xã hội
Đầu tiên, theo Bộ trưởng, xuyên suốt vẫn là tập trung cao nhất xây dựng thể chế. “Thể chế, thể chế và thể chế. Thể chế là trách nhiệm của người đứng đầu, tất cả các cục, vụ phải quan tâm người làm thể chế và mọi cán bộ đều biết làm thể chế”, Bộ trưởng nêu vai trò quan trọng hàng đầu.
Kế tiếp, tăng cường công nghệ thông tin, chuyển đổi số. "2022 sẽ là năm chuyển đổi số của Bộ. Quyết tâm như thế!”, lãnh đạo Bộ dứt khoát.
Để trọng tâm chuyển đổi số được xúc tiến ngay từ những ngày đầu năm, Bộ trưởng yêu cầu, ngay hôm nay bắt đầu phải làm 3 việc, từ nay đến Tết âm lịch phải xây dựng một nghị quyết của ban cán sự về chuyển đổi số.
Sau đó, bắt tay ngay vào phải chuẩn bị đầy đủ một quyết định của Bộ trưởng, quyết định ban hành chương trình với 5 nội dung cơ bản: Nâng cao nhận thức, kiến thức cho toàn ngành, đặc biệt là người đứng đầu.
Tập trung vào những mũi nhọn cơ bản, đó là: Toàn bộ cơ sở trường dữ liệu, toàn bộ trường cơ sở dữ liệu bảo hiểm kết nối với BHXH; kết nối dự báo cung cầu lao động sẽ phải làm xong; toàn bộ cơ sở trường dữ liệu an sinh xã hội của Bộ (là trẻ em, người nghèo, người có công, quản lý lao động ngoài nước, bảo trợ xã hội…) phải được thông suốt, tạo một hệ thống đồng bộ về an sinh xã hội.
Để làm được điều đó, sẽ ký với Bộ Thông tin và Truyền thông một chương trình tập trung vào mấy việc đó. Về các đơn vị được giao đầu mối CNTT, Bộ sẽ quyết định thành lập 1 ban chỉ đạo CNTT và 1 ban dự án CNTT xuyên suốt về Bộ, ko nằm ở các cơ sở.
Thứ ba, tiếp tục chăm lo hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động, việc làm, tìm cách giữ chân người lao động, hỗ trợ người lao động quay trở lại và giải quyết việc làm tại chỗ; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong đó tập trung triển khai 2 chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Thứ tư, tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, “phải coi đây là trọng tâm phát triển thời gian tới cùng với giải quyết việc làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Thứ năm, tiếp tục triển khai đầy đủ, toàn diện, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, tiến tới xây dựng hệ thống an sinh đáp ứng các cú sốc diện rộng. Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.
Thứ sáu, chăm lo, tạo ra môi trường an toàn để đảm bảo phát triển đầy đủ quyền trẻ em, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Phải thanh tra kiểm tra toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở SOS.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát đảm bảo trong công tác cán bộ, quản lý tài chính, tài sản.
Và cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
“Không thể có một cơ quan mạnh nếu như tổ chức đảng yếu. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nhưng trước hết phải là người đứng đầu”.
Một năm nỗ lực vượt bậc trong bối cảnh đại dịch
Cũng tại Hội nghị này, chia sẻ với cán bộ công chức viên chức toàn ngành, trải lòng về một năm qua, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận, toàn ngành đã có một năm nỗ lực vượt bậc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên toàn cầu.
Song trong khó khăn đó, ngành đã nhanh chóng đưa ra những chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả ngay từ đầu năm.
Trong đó, nhiều vấn đề mới chưa từng có tiền lệ nhưng toàn ngành đã hoàn thành và đặc biệt có nhiều nội dung mang tính chất đột xuất, phải giải quyết trong thời gian rất ngắn, để có những chính sách hỗ trợ số lượng đối tượng rất lớn. “Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải phản ứng nhanh, cùng lúc hành động để đáp ứng yêu cầu chăm lo đời sống cho hàng triệu người”, ông Dung nói.
Từ ý thức như vậy, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh khắc nghiệt, tác động nặng nề, Bộ LĐ-TB&XH cũng như toàn ngành đã thực hiện triệt để phương châm chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội. Bộ thường xuyên báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, chính sách lớn hỗ trợ người dân, người lao động.
Trong cơn bão đại dịch, mọi quyết sách đòi hỏi ra đời cấp bách để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, toàn ngành đã dồn hết sức lực làm ngày làm đêm, có những tháng ngày anh em rời nhiệm sở khi đã 23 -24h đêm…
Bộ trưởng cũng “tổng kết” trong năm, Ban cán sự Đảng bộ Bộ đã có đến 7 lần báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề xã hội phát sinh cần nhanh chóng giải quyết. Lãnh đạo Bộ cũng làm việc thường xuyên với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thẩm tra cũng như Chính phủ, các Bộ, ngành khác để có thể kịp thời hoàn thiện chính sách ban hành.
Đảm bảo an sinh xã hội trong “giông bão” Covid-19
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Cụ thể, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 2 nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công, đảm bảo chăm lo tốt hơn cho người có công cả về vật chất và tinh thần; Nghị định số 20 mở rộng diện bao phủ và tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngày 1/7/2021 lên 360 nghìn đồng/tháng.
Ngành cũng kịp thời trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 05 và tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Cũng trong năm 2021, Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng có hiệu lực thi hành từ năm 2022 (Nghị định 108), với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995.
Dù ngân sách khó khăn, Nhà nước vẫn dành hơn 12.000 tỷ đồng cho việc tăng lương hưu, trợ cấp xã hội này…
Có thể nói, đây là những dấu ấn khó quên trong bối cảnh đại dịch gây nhiều khó khăn, thách thức, đặt gánh nặng rất lớn về bảo đảm an sinh xã hội.
"Anh chị em cán bộ, nhân viên trong ngành, nhất là ở 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội thực sự đã có nhiều tuần, nhiều tháng không về nhà. Việc đưa từng túi gạo, túi an sinh tới người dân, trong dịch bệnh, phong tỏa… đều không dễ dàng. Vậy mà như TP. HCM, việc giải ngân hàng chục nghìn tỷ đã hoàn thành chỉ trong thời gian rất ngắn”, Bộ trưởng trải lòng.
Chia sẻ thêm, tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung cho biết, “như tôi từng báo cáo trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước, cán bộ ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực hết sức, làm ngày làm đêm để người dân sớm được thụ hưởng chính sách, để san sẻ bớt phần nào những khó khăn, vất vả với mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Sự hài lòng, của người dân, người lao động, doanh nghiệp chính là sự cổ vũ động viên to lớn cho cán bộ toàn ngành LĐ-TB&XH”.
Đáng chú ý, một điểm nhấn thành quả thể chế khác ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong năm qua chính là Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội với Chính phủ Hàn Quốc.
Đây là hiệp định đầu tiên cấp Chính phủ về bảo hiểm xã hội mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động của hai quốc gia.
Việc ký Hiệp định này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc ký các hiệp định song phương về BHXH với các quốc gia khác có tỷ lệ lao động Việt Nam nhiều.
Bên cạnh đó, góp phần cụ thể hoá Nghị quyết 28 - NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế.