Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lên "ghế nóng" trả lời chất vấn về tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay
- Tây Y
- 06:36 - 27/05/2023
Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV vừa được quyết định ngày 26/5, Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp đang diễn ra.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cụ thể:
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính của nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Các nội dung chất vấn gồm: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Bên cạnh đó là thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục Đào tạo, Nội vụ.
Với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Cụ thể là trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Cạnh đó là chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động Thương binh Xã hội, Văn hóa Thể thao Du lịch, Thông tin Truyền thông, Tài nguyên Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chính.
Các nội dung chất vấn bao gồm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cũng là nội dung được chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Giáo dục Đào tạo, Thông tin Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cuối cùng là nhóm thuộc lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chịu trách nhiệm trả lời chính.
Các nội dung chất vấn gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Ở nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 6/6 - sáng 8/6.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, người lao động, người sử dụng lao động rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cơ bản bám sát nội dung chủ đề đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm rất cao đối với đồng bào và cử tri cả nước.
"Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình nắm chắc tình hình thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn và thỏa đáng các vấn đề, đề xuất nhiều giải pháp cho thời gian tới", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lại một lần nữa được lựa chọn để đăng đàn, cho thấy các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, an sinh xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu bày tỏ, đặt nhiều kỳ vọng vào những giải pháp mà Bộ trưởng tiếp tục đưa ra, vì suy cho cùng "an sinh là để an dân".