THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:13

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo”

Giải trình thêm trước Quốc hội về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã đánh giá khách quan, toàn diện quá trình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình giám sát đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp các ngành.

“Tôi tin rằng, sau giám sát này, việc chuyển biến sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn”- Bộ trưởng khẳng định.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là nhiệm kỳ thứ hai chúng ta triển khai Chương trình này. Tuy nhiên, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này, các công việc đòi hỏi phải cao hơn, khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn, toàn diện hơn và bao trùm hơn.

Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, mặc dù rất quyết tâm, việc triển khai Chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức  trong đó nguyên nhân khách quan tác động rất lớn đến việc triển khai chương trình từ dịch bệnh Covid-19, tình hình thiên tai, lũ bão, ảnh hưởng rất nhiều lại tập trung vào những vùng khó khăn. Do đó.những vùng đã khó càng khó hơn, đã nghèo lại càng nghèo hơn…

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia dù vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng và tính bền vững của giảm nghèo, tuy nhiên, với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị đặc biệt là các địa phương, sự vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chúng đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu do Quốc hội đặt ra về cơ bản là đạt được. Cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận Việt Nam là “điểm sáng” về giảm nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị trao quyền trọn gói cho cấp huyện thực hiện CTMTQG (Ảnh: DK)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị trao quyền trọn gói cho cấp huyện thực hiện CTMTQG (Ảnh: DK)

Bộ trưởng cũng phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung.

Trong đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng khẳng định, “Không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo. Chỉ là họ chưa có khả năng thoát nghèo. Hiện nay, Chương trình giảm nghèo không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua, nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác, đây là điều cần được biểu dương.”

Đối với việc tách các hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí để sau khi tách ra những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo.

Về hỗ trợ nhà ở, Bộ trưởng cho biết, theo tinh thần Quyết định 90 và Nghị quyết 24 của Quốc hội, phấn đấu trong nhiệm kỳ này xóa được khoảng 100.000 căn hộ dột nát khó khăn của hộ nghèo ở 74 huyện nghèo với kinh phí 4.000 tỷ.

Qua thực tiễn triển khai Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt. Chương trình phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, cả ba chương trình này đã và đang phải ban hành quá nhiều văn bản, dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành vì thực hiện quy định của pháp luật.

“Bình quân mỗi chương trình phải ban hành 60-70 văn bản khác nhau. Trong “rừng” văn bản đó, dù không muốn nhưng cơ quan chuyên trách rất vất vả”-Bộ trưởng thông tin.

Hơn nữa, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng “dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ”. Nên mới có hiện tượng các Thông tư của Bộ hướng dẫn rồi nhưng xuống cấp dưới lại đề nghị ra tiếp “hướng dẫn của hướng dẫn”. Trong khi việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải  quá nhiều; cùng với đó việc giao vốn chậm, nhỏ giọt….

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù, nhưng theo Bộ trưởng, trước mắt trong Nghị quyết về giám sát kỳ này, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau; trong đó mỗi tỉnh chọn một hai huyện làm thí điểm.

“Huyện được quyết định toàn bộ, tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều phối, kiểm tra giám sát, Trung ương kiểm tra mục tiêu, thanh tra kiểm tra, tổng kết đánh giá chương trình. Chỉ có như vậy mới tiến hành nhanh được- Bộ trưởng nhấn mạnh.

C.Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh