Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khẩn trương giải quyết hồ sơ các trường hợp “người thật, việc thật”
- Tây Y
- 06:49 - 21/07/2023
Ngày 20/7, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Bộ LĐ–TB&XH Đào Ngọc Dung đã chủ trì tiếp và lắng nghe, xem xét các phản ánh, kiến nghị của công dân theo định kỳ liên quan các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của Luật Tiếp công dân.
Ngay từ sáng sớm, công dân đã có mặt rất đông để mong được gặp Lãnh đạo Bộ để được xem xét, giải quyết, như công dân Dương Bảo Ngọc chia sẻ, ông đã từng gặp với các kiến nghị khác nhau, đều được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải quyết thấu đáo.
Vì thế hôm nay ông đến từ sáng sớm cùng người bạn là thương binh nặng, để mong mỏi gặp được người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH để được xem xét, giải quyết.
Vừa bước vào, Bộ trưởng đã nhận ra công dân Nguyễn Bảo Ngọc (Hưng Yên) mà ông đã từng tiếp và xử lý các kiến nghị của ông trước đây, điều này tiếp thêm kỳ vọng cho ông. Ông Ngọc trình bày, hôm nay ông đưa bạn là ông Đặng Văn Diến sinh năm 1951 (Hưng Yên), “người bạn già áo lính” từng tham gia lực lượng vũ trang và bị thương tích do chiến tranh, hiện mất sức lao động 82%.
Ông Diến cũng đã được hưởng chế độ đãi ngộ với người có công nhưng từ năm 1989 đến nay, ông bị cắt không có lý do. Vì thế, ông Dương Bảo Ngọc đề nghị “khôi phục chế độ mất sức lao động đối với ông Diến”.
Sau khi lắng nghe công dân và xem hồ sơ trường hợp của ông Đặng Văn Diến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao đích danh cho Vụ trưởng Vụ BHXH tiến hành làm việc ngay trong ngày mai với Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên, làm rõ trường hợp ông Đặng Văn Diến đã giám định lại chưa. Căn cứ nào để dừng, cắt chính sách của ông Diễn? Và trong tháng 7 này phải làm văn bản báo cáo Bộ trưởng trường hợp này.
“Trả lại chính sách cho ông Diễn nếu đủ điều kiện”, ông Dung nói và nhấn mạnh thêm, xem hồ sơ và quá trình này, thì chỉ có việc là “đã đi giám định lại chưa”, nếu chưa mà cắt chế độ một cách tùy tiện thì xem xét trách nhiệm, và phải trả lại chính sách, cũng như giải quyết việc này ngay trong tháng 7 cho ông Diễn.
Một công dân khác, ở tuổi ngoài 60, bà Phan Thị Cưu lặn lội từ Nghệ An vì biết hôm nay là ngày tiếp công dân của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, theo bà, bà được nghe nhiều công dân trước đó từng gặp Bộ trưởng và được Bộ trưởng xem xét hồ sơ, giải quyết đạt lý cho người dân, vì thế vừa gặp Lãnh đạo Bộ, bà đã đặt hết hi vọng cho kiến nghị lần này.
Nói trong 2 hàng nước mắt, bà Phan Thị Cưu kiến nghị việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho bố đẻ là liệt sĩ Phan Văn Hán và sửa lại thông tin trên phần mộ hiện đang bị sai.
Bà Cưu cho hay, bố đẻ mất từ năm 1949, thời gian gần đây gia đình mới tiến hành làm hồ sơ mong Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công, tuy nhiên, do trên bia mộ ghi nhầm tên nên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ còn vướng mắc một số vấn đề.
Tiếp nhận kiến nghị từ công dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Bà Cưu và gia đình không cần phải đi lại nhiều nữa. Đây là trường hợp người thật, việc thật và địa phương cũng đã xác nhận nên các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm khẩn trương giải quyết hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật”.
Chia sẻ, động viên và trực tiếp tiễn bà Cưu rời phòng tiếp dân, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu lãnh đạo Cục Người có công khẩn trương xác minh, xem xét trường hợp này. Ông quả quyết, nếu trường hợp của bà Cưu chính xác, đủ điều kiện sẽ triển khai hoàn tất hồ sơ cấp bằng Tổ quốc ghi công và trình Bộ trưởng ngay trong tháng 7.
Mong mỏi từng ngày được gặp những người có trách nhiệm, ông Nguyễn Hữu Sinh (93 tuổi, trú tại Bắc Ninh) mong giải quyết chế độ thương binh cho bản thân.
Qua xem xét hồ sơ và các tiêu chí, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận đồng ý triển khai giải quyết chế độ thương binh và giao Cục Người có công gửi văn bản tới Sở LĐ-TB&XH để thực hiện ngay các chế độ chính sách đối với ông Nguyễn Hữu Sinh theo đúng quy định của pháp luật.
Trong suốt buổi tiếp, lắng nghe nhiều ý kiến của công dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trên tinh thần không để công dân phải đi lại nhiều, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng trường hợp cần khẩn trương giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị và thắc mắc của công dân. Còn những vấn đề không thuộc thẩm quyền Bộ, Bộ sẽ có văn bản gửi các đơn vị liên quan xem xét xử lý, giải quyết”.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng bày tỏ những day dứt trước một số trường hợp “người thật, việc thật” nhưng chưa được hưởng chính sách chính đáng do những vướng mắc về thủ tục hồ sơ.
“Thời gian qua ngành LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm thông tin, hoàn thiện hồ sơ để người có công thực sự được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng cho biết, tuy nhiên vẫn còn một số ít trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách ưu đãi người có công.
Vì vậy Bộ LĐ-TB&XH đã và đang triển khai thanh tra toàn diện trên cả nước về việc thực hiện các chính sách về người có công để bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.