THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:14

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đầu tư cho cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển

Cải cách tiền lương khu vực công phải đi đôi với cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước và điều chỉnh phù hợp lương hưu

Một trong những vấn đề rất được dư luận đang rất quan tâm là lộ trình cải cách tiền lương sắp tới. Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 diễn ra sáng nay (24/10), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tháng 5/2018, Trung ương đã thông qua Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Đây là một quyết định rất lớn nhưng 7 năm qua, chúng ta cũng chưa thực hiện được, việc điều chỉnh lương hàng năm cũng chỉ là bù trượt giá chứ chưa phải là cải cách tiền lương.

“Đây chính  là thời điểm chín muồi để cải cách tiền lương, chúng ta cũng đã chuẩn bị đủ điều kiện để thực hiện. Lương là giá cả và sức lao động, đầu tư cho cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển.”- người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, lương kỹ sư ra trường chỉ ở mức 3,5 triệu đồng, thấp hơn cả lương tối thiểu vùng mức thấp nhất. Trong khi chúng ta đặt vấn đề tiền lương phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia dình họ. Do đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 24/10

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 24/10

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý khi cải cách tiền lương, có hai vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất, đó là cải cách tiền lương khu vực công phải đi đôi với cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước. 

Theo Bộ trưởng, cải cách tiền lương khu vực công thì điều quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở, trả lương theo vị trí việc làm và chúng ta ban hành 5 thang bảng lương, trong đó, công chức có hai thang bảng lương, còn lực lượng vũ trang có 3 thang bảng lương.  Đối với doanh nghiệp nhà nước, dứt khoát phải cải cách tiền lương bởi hiện nay đang có  tình trạng, doanh nghiệp thì thua lỗ, công nhân thu nhập rất thấp nhưng người quản lý ăn lương rất cao vì họ đang hưởng bảng lương hoàn toàn khác với lương của người lao động. Về nguyên tắc, cải cách tiền lương của doanh nghiệp cũng phải tuân thủ những nội dung của cải cách tiền lương, đó là người quản lý phải ăn lương cùng người lao động, nếu lợi nhuận cao thì lương của người quản lý cao và người lao động cũng cao và ngược lại. Đồng thời, phải tách người quản lý với người giám sát. Nhà nước sẽ không can thiệp, doanh nghiệp toàn quyền  ban hành thang bảng lương, nhà nước chỉ  đưa ra mức lương tối thiểu.

Thứ hai, khi cải cách tiền lương cũng cần phải xem xét đến lương cho người nghỉ hưu và đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện hưu chi theo mức lương cơ sở, khi bỏ lương cơ sở từ 1/7 thì sẽ tính lương của người nghỉ hưu thế nào, họ có được cải cách tiền lương cùng với khu vực công hay không, nếu cải cách thì mức tăng là bao nhiêu phần trăm?

“Do đó tôi đề nghị, cải cách tiền lương khu vực công phải đi đôi với cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp và điều chỉnh một cách phù hợp tiền lương của người nghỉ hưu và các đối tượng xã hội khác.”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Hãy trao quyền cho địa phương

Liên quan đến một số vấn đề xã hội khác như  tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hiện tượng “di cư ngược” của người lao động từ thành thị về nông thôn nhất là tại các khu vực trọng điểm, các trung tâm kinh tế thời gian qua, theo Bộ trưởng, vấn đề này có hai mặt: Nó báo hiệu sự khó khăn của nền kinh tế, thiếu việc làm, lao động thu nhập không cao nên người dân trở lại nông thôn nhưng nó cũng chứng tỏ khu vực nông thôn đã giữ được vai trò “bà đỡ”, góp phần rất tốt trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Về tỷ lệ thất nghiệp, theo Bộ trưởng,  tỷ lệ thất nghiệp bình quân của nước ta từ trước đến nay là thành thị dưới 4%, tính chung cả nước là 2,32% . Với tỷ lệ như vậy, thông thường chúng ta thuộc top 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Bình quân tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 7,6% cũng  hợp quy luật bởi ngay cả các quốc gia già hóa dân số nhưng tỷ lệ thất nghiệp không thấp hơn chúng ta.

Trong khi theo Bộ trưởng, chúng ta chưa chú trọng đến kinh tế ban đêm ở các khu vực đô thị, thành phố lớn. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế, mang lại một nguồn thu rất lớn mà còn thu hút lực lượng lao động rất lớn cũng như phát triển du lịch.

“Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ một cách thấu đáo đến việc phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa, Tôi tán thành Chương trình mục tiêu chấn hưng văn hóa nhưng nếu chỉ gói gọn trong những mục tiêu đặt ra hiện nay thì vẫn chưa tạo ra được xung lực mới cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải đặt vấn đề văn hóa thời đại Hồ Chí Minh sẽ để lại cái gì cho thế hệ sau, văn hóa phải tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững”- Bộ trưởng nói.

Đại biểu Quôc hội tham gia phiên thảo luận tổ

Đại biểu Quôc hội tham gia phiên thảo luận tổ

Liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia  (Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xóa đói giảm nghèo bền vững), theo Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ trước Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự là cuộc các mạng trong nông thôn, giúp “đổi đời” cho khu vực nông thôn nhưng đến giai đoạn nay,  chúng ta yêu cầu cao hơn,  không chỉ thoát nghèo về cơ sở vật chất  mà còn các đảm bảo các dịch vụ đa chiều khác.

“Nhưng đến giờ này nói thật là tôi thấy sau khi sáp nhập vào 3 Chương trình này thì dường như nó yếu đi so với trước đây. Quốc hội mong tích hợp 3 chương trình chỉ còn một Ban chỉ đạo để tạo sự phối hợp đồng bộ nhưng thực tế 3 chương trình này vẫn đang chạy song song với ba đường khác nhau, chưa có sự tương đồng với nhau. Chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thì vẫn tốt nhưng khó khăn nhất hiện nay là Chương trình đồng bào DTTS và MN, bố trí vốn rất lớn nhưng  không giải ngân được, thiết kế cũng không hợp lý. Hiện Chương trình này đang chạy 10 dự án khác nhau nhưng đa phần không phải là sinh kế cho người dân mà đi vào những cái vĩ mô nhiều hơn. Tôi ví dụ, trong Chương trình giảm nghèo thì sửa chữa nhà lấy vào vốn sự nghiệp thì làm rất tốt nhưng Chương trình DTTS và MN  thì lấy vào vốn đầu tư nên phải lập dự án. Sửa chữa cái nhà 20 triệu, xây mới 40 triệu mà phải lập dự án thì sao làm được.  Do đó, tôi đề nghị chúng ta phải thay đổi tư duy ngay bây giờ bằng cách hãy trao quyền cho địa phương. Trước mắt nếu chưa có Luật thì mỗi tỉnh có thể chọn một huyện để làm thí điểm, chỉ khoán mục tiêu phải giảm được bao nhiêu hộ nghèo, còn lại thì cho huyện có thể điều tiết vốn từ đầu tư sự nghiệp sang đầu tư công hoặc từ chương trình giảm nghèo sang chương trình nông thôn, từ nông thôn có thể sang chương trình dân tộc miền núi. Hãy cho cấp huyện được toàn quyền quyết định, tỉnh điều phối, giám sát và trung ương chỉ quản lý chính sách và chỉ đạo. Như thế đảm bảo từ nay đến hết nhiệm kỳ chắc chắn tình hình sẽ chuyển biến”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Thứ ba, về Chương trình về phòng chống tội phạm ma túy và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là một quốc gia trẻ, số  người nghiện có hồ sơ là 250 nghìn người nhưng con số thực tế phải gấp ít nhất ba lần như thế. Đáng lo hơn là không chỉ gia tăng người nghiện mà số người nghiện cũng ngày càng trẻ hóa, trong đó, 90% người nghiện trong cơ sở cai nghiện ma túy có tiền án tiền sự

 “Nếu trẻ hóa cán bộ thì rất mừng  nhưng trẻ hóa người nghiện thì đó là hiểm họa của đất nước. Nhiệm kỳ trước chúng ta còn có Chương trình mục tiêu về cai nghiện ma túy nhưng nhiệm kỳ này không còn, bây giờ còn có 3 địa phương không có cơ sở cai nghiện ma túy, nhiều cơ sở thì không được đầu tư, không có phác đồ điều trị. Do đó, cần sớm có một Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Bài: Châu Giang- Ảnh: Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh