Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dâng hương tại Đền tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược
- Tây Y
- 18:24 - 23/07/2017
Đền tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược - Củ Chi được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược chống Pháp và Mỹ.
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Tp HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đ/c lãnh đạo tại Đền tưởng niệm Bến Dược
Đền được xây dựng trên một vùng đất 7ha, khởi công vào ngày 19/5/1993 nhân kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 103 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 19/12/1995, Đền tưởng niệm khánh thành giai đoạn I và bắt đầu đón lớp lớp những đoàn người trong nước và nước ngoài đến tưởng niệm, dâng hương.
Đ/c Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Đền tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược
Đền tưởng niệm có 03 hạng mục chính là Cổng tam quan, Nhà văn bia và Tháp 9 tầng, cao 39 mét. Trong nhà văn bia, tên liệt sĩ được khắc vào bia đá hoa cương, chữ mạ vàng. Có 44.209 liệt sĩ được ghi tên trong đền. Gồm Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, trong đó có 9.119 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắp hương tưởng nhớ tại Đền tượng niệm Liệt sỹ Bến Dược
Sau khi cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh thành kinh dâng hương tại Đền tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đến tham dự Chương trình truyền hình trực tiếp “Linh thiêng Việt Nam”.
Đây là cầu truyền hình trực tiếp sẽ được tổ chức long trọng và đầy ý nghĩa tại 4 địa điểm: Côn Đảo, Phú Quốc, Củ Chi và Đài Truyền hình TP.HCM nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Cầu truyền hình Linh thiêng Việt Nam tại Bến Dược
Để thực hiện cầu truyền hình này, HTV đã huy động từ 500 đến 700 người gồm những nghệ sĩ, chiến sĩ và nhân dân tham gia ngay trong cầu truyền hình để tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử oai hùng của dân tộc với các phần âm nhạc ấn tượng và ý nghĩa.
Trong suốt 150 phút của chương trình, Cầu Truyền hình Linh thiêng Việt Nam sẽ phần nào tái hiện chặng đường vẻ vang của dân tộc qua những câu chuyện được kể bởi những người trong cuộc, những thước phim tư liệu và các phóng sự. Hành trình uống nước nhớ nguồn, cuộc đi tìm đồng đội đầy nghĩa tình sẽ được thể hiện trên sóng truyền hình trực tiếp. Đây cũng là nhịp cầu kết nối người đã hy sinh và những người còn sống sót qua mưa bom lửa đạn chiến tranh về lại với nhau, bằng kỷ niệm, bằng không gian âm nhạc hào hùng trên những mảnh đất từng là "địa ngục trần gian".