Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đài thọ toàn bộ tiền ăn tại khu cách ly cho trẻ em từ 0 - 16 tuổi
- Tây Y
- 01:53 - 30/05/2021
Sáng 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trước những diễn biến mới đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới UBND tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Bổ sung công nhân KCN vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống và thị trường lao động trong nước có tác động tiêu cực rất lớn.
Đợt dịch thứ 4 tác động đến 9,1 triệu người, trong đó, có khoảng 540 ngìn người mất việc, giãn việc; 19,9% lao động trong các sở, ban, ngành ảnh hưởng. Khả năng chống chịu để duy trì đời sống khó có thể kéo dài nếu không có những biện pháp tác động mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, đời sống của người lao động các khu ngoài doanh nghiệp, khu vực hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vốn đã khó thì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này càng khó hơn.
Trong đợt dịch thứ 4 này, đặc biệt khu vực công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp có quy mô lớn đang bị tác động rất mạnh.
Trước tình hình như vậy, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ đồng ý rất cao các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc họp Chính phủ vừa qua, và kết luận gần đây. "Tôi rất tán thành 3 ưu tiên: mạnh mẽ, quyết liệt và thần tốc", ông nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch phức tạp, 3 ưu tiên trên là hoàn toàn chính xác.
Theo Bộ trưởng, đợt dịch lần này đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp lớn đang bị tác động mạnh, trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước.
Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: "Các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đông công nhân như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM, Thái Nguyên... cần quan tâm 4 vấn đề". Cụ thể:
Thứ nhất, quan tâm quản lý công nhân; thứ hai, phương án giãn cách, cách ly công nhân đi đôi với duy trì sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động. "Đây là vấn đề quan trọng", ông Dung nhấn mạnh.
Thứ ba, quản lý công nhân cả hai chiều. Đó là công nhân ở trong Khu chế xuất, và cả số lượng công nhân sáng đi tối về; và những ngày lễ, ngày nghỉ công nhân đi về - đây là nguy cơ hai chiều.
Thứ tư, bên cạnh các biện pháp cách ly phải hết sức quan tâm đến đời sống công nhân.
Tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh, lao động trái phép
Trên cơ sở đó, để thực hiện phương châm, phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm và coi đây là cơ bản, thì biện pháp căn cơ, bền vững, và lâu dài theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chính là tiêm vắc xin. Do đó, Bộ trưởng đề nghị bổ sung cho công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất vào nhóm ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Đáng chú ý, ông đề nghị các địa phương quan tâm rà soát, tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, lực lượng lao động trái phép, không để lọt, để sót các đối tượng này, là nguy cơ gây mầm bệnh trong thời gian vừa qua.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đối với hỗ trợ các địa phương và về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, công nhân, người lao động bị giảm sâu thu nhập, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng, hiện đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần này trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.
Còn đối với hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở đề xuất của các tỉnh, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho hay, Bộ cũng đã làm việc với các bộ, ngành để thống nhất phương án đề xuất.
Đài thọ toàn bộ tiền ăn tại khu cách ly cho trẻ em từ 0 - 16 tuổi
Bên cạnh đó, thời gian qua, trong số cách ly F1, có khoảng 6% trẻ em phải cách ly. Trong đợt cao điểm này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo tính toán đến nay có khoảng 4083 em là trẻ em khoảng từ 0- 16 tuổi phải cách ly F1, F0.
Số này khi khu công nghiệp, khu chế xuất cách ly, số các em nhỏ phải cách ly dự kiến sẽ tăng lên, vì thế, Bộ trưởng đề nghị "các địa phương quan tâm đời sống, sinh hoạt của các cháu nhất là khi bố mẹ đi cách ly".
Trong phạm vi thẩm quyền của Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ Bảo trợ Trẻ em sẽ đài thọ toàn bộ tiền ăn cho các cháu từ 0-16 tuổi trong thời gian cách ly do dịch Covid-19.
Thời gian bắt đầu thực hiện từ hôm nay (29/5) đến ngày 31/12.
"Trước mắt, Bộ sẽ hỗ trợ cho Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng hỗ trợ cho các cháu", Bộ trưởng Dung cho biết.