THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:08

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Có an dân thì mới phát triển kinh tế được

Cần quan tâm đến chuyển đổi không gian và chuyển đổi xã hội - các yếu tố để phát triển bền vững

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế -xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua chúng ta lâm vào tình trạng khó khăn chung của thế giới, đại dịch Covid-19 với những tác động rất lớn, bất thường và khó lường, khó dự báo. Đặc biệt là xung đột Nga -Ucraina tác động rất lớn đến không chỉ quan hệ đối ngoại mà còn cả kinh tế. Bên cạnh đó, vòng xoáy lạm phát, kể cả ở những quốc gia lớn, tiềm lực mạnh gây ảnh hưởng rất lớn khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Chính sách tiền tệ của các nước lớn khiến nhiều nền kinh tế điêu đứng...

“Chưa bao giờ mà đồng Yên của Nhật Bản mất giá tới hơn 30%.  Khi kiểm tra thị trường lao động Việt Nam ở nước ngoài tôi rất xót xa, đồng Yên mất giá, người lao động không dám gửi tiền về cứ găm ở đó rồi chờ. Từ một thị trường chúng ta chiếm số lượng lớn nhất trong 15 quốc gia, chúng tôi buộc phải điều chỉnh chính sách, tạm thời chuyển hướng sang các nước khác.”- Bộ trưởng nói.  

Bên cạnh đó, quy mô, tiềm lực kinh tế của chúng ta còn nhỏ mà  độ mở nền kinh tế lại rất lớn “nên khi các ông lớn hắt hơi là chúng ta bị ảnh hưởng” , trong khi các hiệp định thương mại FTA buộc chúng ta phải chơi sân chung chứ không thể đứng ngoài cuộc.

Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng chúng ta có một “bà đỡ” rất quan trọng, đó là nông nghiệp giúp giảm bớt rất nhiều  khó khăn từ bên ngoài và đặc biệt trong sân chơi chung này, không chỉ ngoại giao mà cả lĩnh kinh tế và các lĩnh vực xã hội chúng ta đều tuân thủ nguyên tắc cây tre. Chính vì thế, Quý 1/2023 chúng ta  đã đạt được kết quả  đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 25/5- Ảnh: Mạnh Dũng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 25/5- Ảnh: Mạnh Dũng

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mức tăng trưởng thấp của Quý I là do những tác động chung của nền kinh tế thế giới  và sự tăng trưởng thấp của các "đầu tàu kinh tế" trong nước như TPHCM chỉ tăng trưởng 0,7%. Trong khi đó, động lực tăng trưởng quan trọng nhất  là đầu tư công thì lại trong tình trạng “có tiền cũng không tiêu được”, sự ách tắc của việc giải ngân vốn đầu tư công khiến kinh tế- xã hội không thể phát triển. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực kinh tế sau đại dịch chưa phục hồi trở lại.

Chính sách lạm phát, thắt chặt tiền tệ, điều chỉnh lãi suất của FED khiến các nước lớn điều chỉnh chính sách, các nước nhỏ phụ thuộc vào chuỗi sản xuất, hàng, đơn hàng gặp rất nhiều khó khăn, DN gặp khó thậm chí đóng cửa, người lao động có nguy cơ mất việc làm.

“Tôi vừa đi kiểm tra nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, xuất khẩu gỗ… dự báo tình hình sẽ còn khó khăn hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Trước tình hình đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng, chúng ta phải giữ được và vận hành đồng bộ 3 trụ cột cơ bản là kinh tế- môi trường- xã hội. Đồng thời, 3 vấn đề trọng tâm phải quan tâm là cải thiện năng suất lao động, chú trọng phát triển bền vững và chú trọng vấn đề quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thì theo Bộ trưởng có hai vấn đề rất cần quan tâm mà ít được nói đến đó là chuyển đổi không gian và chuyển đổi xã hội- đó là các yếu tố  để thúc đẩy phát triển bền vững.

Ưu tiên thực hiện ngay dự án phòng chống suy dinh dưỡng và xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS

Liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hai chương trình về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững chúng ta đã có một quá trình nghiên cứu rất bài bản và đã làm một nhiệm kỳ, nhưng ở thời điểm này đòi hỏi hoàn toàn khác về chất, yêu cầu cao hơn rất nhiều. Bởi càng đến lúc này chương trình giảm nghèo càng khó khăn hơn. Vùng lõi nghèo mà ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số  họ thiếu rất nhiều: thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu sinh kế...

“Chúng ta thường nói “cho cần câu chứ không cho con cá”. Đúng nhưng chưa đủ, có những việc “cho cần câu” nhưng có những nội dung vẫn phải "cho cả con cá". Không cứng nhắc chuyện đó. Do đó chúng ta mới đặt ra Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Khó khăn nhất hiện nay là chính là triển khai chương trình này. Đây là chương trình mới nên khó khăn nhưng rõ ràng phải tập trung rất cao, nếu không sẽ không thực hiện được.”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh

Trong chương trình này, theo Bộ trưởng, có hai việc rất quan trọng cần phải ưu tiên làm ngay. Đó là phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em và xóa nhà tạm. “Chương trình dành cho suy dinh dưỡng mà đến năm 2024-2025 mới phân bổ vốn thì các cháu hết tuổi hưởng rồi. Chương trình xóa nhà tạm cũng thế, tại sao không ưu tiên ngay đầu nhiệm kỳ. Chúng ta có 28 ngàn tỷ dành cho chương trình từ nguồn vốn sự nghiệp. Tôi đề nghị Quốc hội nên có chủ trương chuyển toàn bộ ngân sách của hai dự án  trên vào năm 2023-2024, càng sớm càng tốt.”- Bộ trưởng đề nghị.

Toàn cảnh Phiên thảo luận - Ảnh: Mạnh Dũng

Toàn cảnh Phiên thảo luận - Ảnh: Mạnh Dũng

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, theo Bộ trưởng, nếu tiếp tục như hiện nay thì không giải ngân được,  mà giải ngân chủ yếu rơi vào giao thông, các chương trình phúc lợi xã hội, kể cả y tế sẽ không giải ngân được. Bởi đến thời điểm này mà chưa giao vốn cho các công trình thì không kịp, khi chỉ khâu phê duyệt dự án, tối thiểu cũng cần đến 5-6 tháng. Với những địa phương có nhiều chương trình thì đẩy vốn đầu tư công sang năm 2024. Còn những địa phương, bộ ngành không có công trình đầu tư công chỉ còn cách trả lại vốn", từ phân tích đó, Bộ trưởng đề nghị xem xét luôn việc đốc thúc đầu tư công cho cả năm 2024.

Liên quan đến vấn đề phòng chống và cai nghiện ma túy, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, chưa bao giờ ngành công an làm quyết liệt thế này nhưng cũng chưa bao giờ xã hội chịu tác động của ma túy như hiện nay. Cai nghiện ma túy ngày càng phức tạp hơn, tỷ lệ nghiện tăng, ngày càng trẻ hóa và đặc biệt tình trạng người nghiện có tiền án tiền sự tăng rất nhanh. Trong khi đó chúng ta đầu tư cho lĩnh vực này chưa tương xứng.

“Chúng ta cần bố trí một lượng ngân sách nhất định cho các địa phương nâng cấp, tu bổ cơ sở cai nghiện ma túy. Nếu nói nghiêm túc, nhiệm kỳ này so với nhiệm kỳ trước thụt lùi, nhiệm kỳ trước có hẳn một chương trình đầu tư cho cơ sở cai nghiện ma túy. Hiện thời điểm này có ba tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện may túy. Tiền còn, Quốc hội, Chính phủ nên dành một chương trình đầu tư cho các địa phương nâng cấp, đầu tư, xây dựng và tổ chức tốt việc cai nghiện ma túy. Bình yên của vấn đề này chính là bình yên của xã hội, an dân thì mới phát triển kinh tế được.”- Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.  

Cũng liên quan đến đầu tư cho các cơ sở cai nghiện ma túy, khi thảo luận về việc bố trí vốn cho các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho biết, đến giờ này vẫn còn 509 tỷ và Chính phủ dự kiến không bố trí tiếp.  Theo ông Nguyễn Hoàng Mai việc không bố trí tiếp nguồn vốn này là rất đáng tiếc trong khi nhu cầu đầu tư cho các cơ sở cai nghiện, các cơ sở bảo trợ xã hội là rất cần thiết. Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cho rằng nên dành nguồn vốn này để ưu tiên bố trí cho những việc cần thiết trên, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách xã hội trong thời gian tới.

Bài: Châu Giang- Ảnh: Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh