Bộ trưởng Công an: Có việc lợi dụng sơ hở pháp luật để “thâu tóm” đất công
- Tây Y
- 23:56 - 13/11/2018
Quốc hội dành 1 ngày (13/11) để thảo luận các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; thi hành án năm 2018 và báo cáo công tác của Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao.
Tình hình tội phạm vẫn phức tạp
Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, theo Thượng tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của các Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm.
Nhiều con số được Bộ trưởng đưa ra như: Đấu tranh làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra); điều tra án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,53%; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...
Tuy vậy, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.
“Các tổ chức phản động, lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tình hình an ninh mạng; an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công.
“Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các “nhóm lợi ích” nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng…”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng internet thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng…
Trước tình hình trên, năm 2019, Chính phủ đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, nhất là liên quan đến “tín dụng đen”, núp bóng doanh nghiệp; tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy...
Còn để xảy ra 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ. Tuy nhiên, qua giám sát, Ủy ban Tư pháp chỉ ra một loạt vấn đề.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, dù tội phạm được kiềm chế nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội (1.451 người chết, tăng 3,9%).
Một số loại tội phạm tăng như: cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.
Công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng Công an.
Ủy ban Tư pháp lưu ý, một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.
“Đáng chú ý, có những vụ việc liên quan đến một số sỹ quan Công an, Quân đội, lãnh đạo một số địa phương đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý. Điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ…”, bà Nga nói.
Các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó có nhiều loại mạnh, cực độc gây tác hại nghiêm trọng….
Cũng theo cơ quan thẩm tra, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ giải quyết tố giác về tội phạm mới đạt 87,2%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội; việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ trọng án chưa đạt 90% như chỉ tiêu của Quốc hội giao.
“Đáng lưu ý, còn để xảy ra 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra. Còn để xảy ra 1 vụ án “Dùng nhục hình” trong giai đoạn điều tra gây chết người; vẫn còn 11.714 đối tượng truy nã đang ở ngoài xã hội, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành chức năng có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay trong chính các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và củng cố niềm tin của nhân dân.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng “bảo kê” cho vi phạm, tội phạm, nhất là tại bến xe, các chợ đầu mối; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quán bar, vũ trường, lễ hội âm nhạc… để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, chất gây nghiện trong giới trẻ…