THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:03

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm về những sai phạm trong quy hoạch đô thị

 

Một số trường hợp có dấu hiệu trục lợi trong quy hoạch

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Thị Kim Thúy (UB các vấn đề xã hội của Quốc hội); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn các vấn đề: nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đô thị,  trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng...

Về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ xây dựng cho biết, quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể với những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ để bảo đảm cuộc sống cho con người trong cả hiện tại và tương lai. Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...); sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (như: quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...); quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo...Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá...

Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, xử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai...

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn trước UBTVQH

Vấn đề đặt ra là có trục lợi hay không trong xây dựng quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi. Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...

Tới đây Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch...

Khó cam kết khi nào chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép

Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng thừa nhận đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm... Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...

Về cam kết 'khi nào chấm dứt' tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề khó, cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương, Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn... 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp về phát triển nhà ở xã hội

Trước trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đề nghị Bộ cho biết đã xử lý trách nhiệm được cán bộ, đơn vị nào trong việc quản lý công trình sai phép, không phép?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay Bộ Xây dựng sẽ cố gắng trong thời gian tới cùng với địa phương trực tiếp thanh tra các doanh nghiệp có sai phạm lớn. "Còn đơn vị cụ thể thì có doanh nghiệp Mường Thanh có sai phạm lớn ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có xử lý vi phạm. Còn xử lý sai phạm sâu hơn là trách nhiệm của TP. Hà Nội", ông Phạm Hồng Hà nói.

Tại phiên chất vấn, trả lời về trách nhiệm địa phương trong thực hiện quy hoạch đô thị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết là có thật. Quá trình phê duyệt quy hoạch chúng ta làm đúng, nhưng trong quá trình thực hiện một số chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao... Trách nhiệm trước tiên thuộc về thành phố Hà Nội trong quản lý, tiếp đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, vừa qua Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thanh tra kiểm tra; giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm... Vừa qua Hà Nội đã xử lý trách nhiệm của 18 cán bộ vi phạm. 

Về chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Chung cho biết đây là vấn đề được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, vào cuộc rà soát, tiến hành xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường. Trước 2015 toàn thành phố có trên 300 trường hợp siêu mỏng, siêu méo, hiện còn 132 trường hợp. Những nhà diện tích dưới 30m2 thành phố kiên quyết thu hồi hoặc tiến hành cho các chủ hộ hợp khối, hợp thửa, hạn chế không làm phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới. Hà Nội hứa trong thời gian tới sẽ chấm dứt tình trạng này.

Liên quan đến việc xử lý sai phạm Nhà số 8 Lê Trực, ông Chung nhận trách nhiệm sự chậm chễ. Nguyên nhân chậm chễ là do Hà Nội và bộ Xây dựng xem xét  phương án kỹ thuật xem liệu cắt bớt tầng đi có ảnh hưởng đến việc sinh sống của các hộ dân trong tòa nhà sau này hay không hay phải tính toán phương án khác. “Chúng tôi sẽ công bố công khai và xử lý nghiêm”- ông Chung khẳng định. 

 

Thay đổi căn bản về tư duy, phương thức về phát triển nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về giải pháp phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ xây dựng cho biết, hiện nguồn cung về nhà ở xã hội hiện rất thiếu so với cầu, hiện có khoảng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội so với nhu cầu khoảng 10 triệu m2. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không thiết tha do lợi nhuận thấp ( theo quy định của luật chỉ 10%) dù chúng ta đã có cơ chế khuyến khích, quỹ đất bố trí cho xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế; thiếu nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội; cơ chế cũng chưa phải là tốt... Bộ trưởng cho rằng, hướng tới phải thay đổi căn bản về tư duy, phương thức về phát triển nhà ở xã hội.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh