THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:37

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh giản biên chế tác động đến cải cách tiền lương

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tinh giản biên chế giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) đề nghị Bộ trưởng cho biết trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương  cũng như đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho rằng việc tinh giảm biên chế tác động đến cải cách tiền lương, giảm đơn vị hành chính, giảm tổ chức hành chính, cơ cấu lại mục tiêu để cải cách đội ngũ cán bộ công chức, tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ công chức, viên chức. Từ 2019 đến nay, việc tinh giản đã giúp tiết kiệm trên 25.600 tỷ đồng để làm nguồn tăng lương.

Tới đây sẽ tiếp tục tinh giản công chức, viên chức để cơ quan hành chính tinh gọn hơn, làm nguồn lực tăng lương, cải thiện đời sống cho công chức, viên chức.

Đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua, Bộ Nội vụ báo cáo công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực.

Số liệu thống kê cho thấy, biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015. Như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng  cũng có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi.  Theo Bộ trưởng, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10% này. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng, tuy nhiên, nhìn chung việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Quy định về định mức biên chế công chức, viên chức; về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập... để làm cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đổi mới việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động và chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.

Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu)

Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu)

Đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, việc triển khai xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ do thiếu quy định. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và bao giờ khắc phục được việc này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu về xác định vị trí việc làm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2012 đến năm 2019, chúng ta cũng đã xác định vị trí việc làm, tuy nhiên việc này chuẩn bị cũng chưa thật đầy đủ, căn cơ.

 Sau khi có Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức.

Hiện nay đã xác định được một khung chung. Cụ thể, vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí, trong đơn vị sự nghiệp là có 615 vị trí, ở cấp cơ sở (cấp xã) có 17 vị trí.

“Về việc này với trách nhiệm góc độ của ngành chúng tôi nhận khuyết điểm, triển khai có chậm, chưa thống nhất nên gây khó khan cho các bộ ngành, địa phương. Hiện nay các bộ ngành đã tập trung ban hành thông tư hướng dẫn, tới đây theo chỉ đạo của Trung ương về quản lý biên chế, chúng tôi sẽ cùng Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan chức năng hoàn thiện lại toàn bộ khung năng lực vị trí việc làm, đảm bảo toàn bộ biên chế theo vị trí việc làm.”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút nhân tài

Đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc đánh giá xếp loại cán bộ công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng. Thực tế việc này chưa thực chất, có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hoà vi quý. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để việc đánh giá thực chất thời gian tới?

Trả lời đại biểu Huân, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian qua Đảng và Chính phủ đã quan tâm tới đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đánh giá những năm gần đây có chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, năm 2021, số cán bộ công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 22%, trước đó là 30%; số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ 1,72%, những năm trước tỷ lệ này chỉ có 0,56-0,64%.

Bộ trưởng khẳng định, đã có sự chuyển biến tích cực hơn nhưng nhìn một cách tổng thế có thẻ thấy cũng có việc đánh giá chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như đại biểu nêu.

Thời gian tới, để việc đánh giá cán bộ tốt hơn thì phải tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ, liên thông với quy định của Đảng, có tiêu chí bằng sản phẩm cụ thể. Đồng thời, cố gắng tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, là cơ sở đánh giá cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

“Các bộ quản lý, ngành, địa phương phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, Chính phủ, cụ thể hoá quy định ở đơn vị để đánh giá công khai, công bằng, chính xác, mới là cơ sở động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đương nhiên trong bối cảnh hiện nay phải có công cụ cụ thể đánh giá đội ngũ cán bộ công chức viên chức.”- bà Trà nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) khẳng định,  trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là thuật dùng người, quy luật trị quốc muôn đời. Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ để biến chủ trương này thành các quy tắc xử sự chung với toàn bộ máy nhà nước?

Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định đây là điều mà Bộ Nội vụ quan tâm sâu sắc. “Chúng ta đều biết, có thể nói trọng dụng nhân tài là truyền thống của dân tộc ta. Điều này thể hiện rõ trong các nghị quyết, văn kiện, kết luận,.. Đại hội 13 vừa qua cũng nhấn mạnh việc này.Nhìn ra thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều chú trọng và khuyến khích nhân tài.”- bà Trà nói.

Để cụ thể hoá chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 140 triển khai thực hiện. Trong thời gian thực hiện từ 2018 tới nay chưa nhiều, mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Nhưng các địa phương rất chú trọng việc này. Đó là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,… thông qua HĐND xây dựng chính sách phù hợp trọng dụng nhân tài. Các địa phương đã thu hút được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ gần 3.000 người. Thực tiễn này quá ít ỏi, số lượng này làm việc trong khu vực công.

Bà Trà cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài, có cơ chế chính sách tốt hơn, hấp dẫn hơn.Thủ tướng đang đôn đốc để làm sao năm tới 2023 sẽ có nghị định bao quát hơn, để có bộ chính sách để trọng dụng nhân tài. Cùng với đó, đương nhiên khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang xây dựng một nghị định để cụ thể hoá Kết luận 14 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh