Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Sẽ rút lại quyết định bổ nhiệm nếu không đủ tiêu chuẩn
- Tây Y
- 00:27 - 17/11/2016
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất tốt, nhưng thời gian qua, cụm từ “đúng quy trình” lại là “bà đỡ”, là rèm che cho việc chọn người nhà chứ không chọn người tài, gây bức xúc. Bộ trưởng có giải pháp nào khắc phục lấy lại niềm tin cho nhân dân?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ nội vụ rà soát thông tin báo chí nêu, hiện nay Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong việc bổ nhiệm người nhà với 9 địa phương. Việc bổ nhiệm cấp phòng hiện nay, khi có chỉ đạo, Bộ đã thanh tra công vụ với Sở LĐ-TB&XH Hải Dương. Cơ quan này có 46 người thì có 44 cán bộ lãnh đạo từ phó phòng trở lên là đúng như báo chí nêu. UBND tỉnh Hải Dương chưa có quy định cấp phòng có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo. Sở có 9 phòng thì thừa 8 phó phòng. 1 người về vị trí cũ và 7 người không nhận chức phó phòng. Bộ đã yêu cầu thực hiện không quá 3 phó phòng, thực hiện đúng quy trình, xử lý nghiêm người làm công tác tham mưu đề bạt quá quy định, làm xã hội bức xúc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
“Trong thời gian rất ngắn, chúng tôi đã tổ chức thanh tra công vụ cử 3 đoàn xuống làm việc, trong vòng 15 ngày đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, và qua báo cáo lần này, chúng tôi đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo UBND các tỉnh trong việc bổ nhiệm cán bộ phải đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết và nhấn mạnh thêm, việc tuyển chọn cán bộ phải áp dụng rộng rãi, công khai, minh bạch, dân chủ, và đề nghị nên xem xét xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, đồng thời cũng phải đưa ra bộ máy, rút lại những quyết định bổ nhiệm không đúng theo tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình trong thời gian qua.
Trước câu hỏi của đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng): Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà thay vì bổ nhiệm người tài vào bộ máy Nhà nước? Trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục là gì?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, thời gian vừa qua, thẩm định hồ sơ bổ nhiệm còn nhiều kẽ hở. Việc phân cấp xét tuyển thì rất nhiều cấp xét. Đúng quy trình, tiêu chuẩn nhưng khi bổ nhiệm thì cán bộ có sai phạm, không đáp ứng nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật. Đây là nhược điểm về công tác cán bộ, trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm. Bộ thấy cần có sửa đổi bổ sung cho phù hợp và đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sửa 2 Nghị định 67 và 68 theo hướng phân định rõ chức năng nhiệm vụ từng cấp, sai cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm... Cùng với đó là phối hợp để làm lại quy trình từ quy hoạch, luân chuyển đến bổ nhiệm cán bộ.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) chất vấn: Quan điểm của Bộ về hình thức xử lý về mặt hành chính với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng? Có cần thiết nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật và văn bản liên quan để đảm bảo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, về xử lý trách nhiệm với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vừa qua Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ban Bí thư TƯ Đảng đã xem xét, kết luận nhiều vi phạm, khuyết điểm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về công tác cán bộ trong một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng và đã quyết định thi hành kỷ luật về mặt Đảng với việc cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 đồng thời đề nghị các cơ quan Nhà nước có hình thức kỷ luật hành chính.
Riêng về mặt Nhà nước, đây là vấn đề chưa có tiền lệ nên Bộ sẽ phối hợp cùng cơ quan chuyên môn tham mưu có biện pháp xử lý về mặt hành chính. Vấn đề này khó nên cần tạo hành lang pháp lý để sau này xử lý nếu có. Luật Cán bộ công chức chưa quy định, và khi chưa sửa đổi được Luật thì có văn bản quy định phù hợp để xử lý vấn đề trước mắt, nhất là với cán bộ đã nghỉ hưu
“Việc xử lý này thể hiện quyết tâm chính trị rằng nếu có sai phạm thì có xử lý, không hạ cánh an toàn, qua đó cảnh báo cho đồng chí đang tại chức, khi thực hiện chức năng nhiệm vụ phải làm cho đúng, không phải nghỉ hưu là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước”- Bô trưởng Bộ nội vụ nhấn mạnh
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi: Vừa qua xảy ra một số vụ cán bộ công chức, viên chức đánh người, có hành vi thiếu văn hoá. Bộ trưởng cho biết biện pháp nào để nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, đây là kỷ luật kỷ cương hành chính cán bộ công chức. Gần đây Bộ tham mưu cho Thủ tướng về Chỉ thị 26. Có thể nói quản lý cán bộ công chức là của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, trong đó có văn hoá công sở là nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó, trường hợp như đại biểu nêu, nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn thì loại ra khỏi bộ máy, không xứng đáng là công bộc của dân, không để ảnh hưởng chung.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
1 tháng trước
Tin nên đọc