Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Tây Y
- 16:03 - 10/08/2022
Nhiều nước không chấp nhận hộ chiếu theo mẫu mới: Bộ Công an đã có giải pháp khắc phục
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục như thế nào?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc cấp hộ chiếu mẫu mới thực hiện theo đúng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tất cả những chi tiết được ghi trên hộ chiếu được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Hộ chiếu mẫu mới phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới sử dụng mẫu hộ chiếu này.
"Nhiều nước trên thế giới dùng mẫu này và không ghi nơi sinh. Hộ chiếu Việt Nam đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Chỉ có ba nước là Đức, Tây Ban Nha, Séc chưa chấp nhận. Gần đây, Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Cũng có nước bị vướng về vấn đề hộ chiếu giống Việt Nam như Hàn Quốc" - ông Tô Lâm cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, quá trình Bộ thực hiện việc này đúng quy định pháp luật. Một số nước chưa chấp nhận vì có lý do rất thực tế, vì họ muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân vào nước họ, ở địa phương nào cụ thể.
"Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật" - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, Bộ Công an đã có giải pháp để khắc phục việc này. Trước mắt, với công dân thấy cần bổ sung nơi sinh thì Bộ đã bàn với các cơ quan liên quan bổ sung vào phần bị chú nơi sinh, để tạo thuận lợi cho công dân.Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung những thông tin này.
Về việc cấp hộ chiếu mới, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc này cơ bản thuận lợi cho người dân. Hộ chiếu mới đáp ứng được nhu cầu của người dân, việc đăng ký, nhận, cấp, sử dụng, quản lý đều thuận lợi, không gây khó khăn, phiền toái. Một số nước yêu cầu bổ sung thông tin về nơi sinh, Bộ đã tiến hành bổ sung thông tin với các nước quan tâm. Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, việc cấp hộ chiếu mới không lãng phí, hộ chiếu cũ vẫn có giá trị sử dụng bình thường đến khi hết hạn. Tới đây, Bộ Công an sẽ nghiên cứu triển khai hộ chiếu điện tử, hộ chiếu có gắn chip để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân.
Duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ hoạt động “tín dụng đen”
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay thực trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp, các đối tượng rất tinh vi, núp bóng dưới vỏ bọc của doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho vay tài chính để thực hiện hoạt động cho vay không thế chấp. Đáng chú ý là họ hướng tới đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp với thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân lao động vay tiền trực tiếp trên mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất rất cao.
Trước thực trạng trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết giải pháp đấu tranh và xử lý đối với loại tội phạm này để ngăn ngừa có hiệu quả và tiến tới xóa bỏ tình trạng như nêu trên?
Về tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm; trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng.Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay. Xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý. Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, Bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phối hợp cùng các cấp, các ngành cải thiện điều kiện lao động, làm việc của công nhân, giảm bớt các hoạt động phức tạp của công nhân, trong đó có hoạt động tín dụng đen.
Quản lý chặt thông tin trên không gian mạng
Giải trình ý kiến của các đại biểu về vấn đề đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Bộ cũng đã đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.
Phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35 các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân, nhất là tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ. Tham mưu Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay.