THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Bổ sung "nơi sinh" vào hộ chiếu mới: Không phát sinh thủ tục, chi phí

Quốc hội đã thông qua 6 luật, 14 nghị quyết

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Quốc hội đã thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn;

Xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng.

Sau khi xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội khẳng định dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng; quyết sách phù hợp, chủ động và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

Sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước đối với ông Trần Sỹ Thanh và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể do đã nhận nhiệm vụ khác; bầu Tổng Kiểm toán nhà nước và phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Quốc hội đề nghị các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao phụ trách, đóng góp vào sự phát triển chung, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.

Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi thực hiện hoạt động nhập cảnh tại các nước…

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo

Bổ sung "nơi sinh": Thủ tục rất nhanh, trong vòng 2 ngày

Tại họp báo, đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã trả lời làm rõ một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, cho ý kiến, chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 như: Tự chủ bệnh viện, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô, việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân của hộ chiếu, biến động giá xăng dầu thời gian qua, giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, việc thí điểm đấu giá ô tô và thêm “nơi sinh” vào hộ chiếu được cử tri nhân dân quan tâm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Theo Nghị quyết, biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, được đăng công khai trong 30 ngày. Trước đây, việc đăng ký biển số được tiến hành theo hộ khẩu hoặc theo nơi đặt trụ sở cơ quan. Với Nghị quyết thí điểm, người dân có thể đấu giá tất cả biển số không phụ thuộc nơi đăng ký hộ khẩu, nơi đặt trụ sở cơ quan.

Bộ Công an khẳng định với công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể đấu giá bất kỳ đâu theo sở thích. Trong quá trình thí điểm sẽ phải kỹ lưỡng, tránh phát sinh vấn đề phức tạp.

Liên quan việc bổ sung “nơi sinh” vào hộ chiếu mới, theo ông Trịnh Xuân An, đây là quyết sách rất kịp thời. Về vấn đề chi phí, theo tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung vào trang “nhân thân” của hộ chiếu không phát sinh thủ tục, chi phí. Bộ Công an cho biết, thủ tục tiến hành rất nhanh, trong vòng có 2 ngày.

Về vấn đề bổ sung “nơi sinh” đối với các hộ chiếu đã được in, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho hay, sẽ ghi nhận và có ý kiến khi giám sát về vấn đề này.

Trả lời thêm về vấn đề trên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ, đây là vấn đề kỹ thuật và Bộ Công an sẽ có phương án giải quyết ổn thỏa, đảm bảo thuận lợi cho người dân.

Liên quan đến vấn đề về xăng dầu, theo bà Phạm Thị Hồng Yến- Ủy viên thường trực- Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, tác động thay đổi đến giá xăng dầu, nguyên nhân do sự biến động khó lường giá dầu của thế giới.

"Trong khi đó, Việt Nam là nước cũng phải sử dụng nhiều năng lượng dành cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, do vậy biến động của giá xăng có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế”- bà Phạm Thị Hồng Yến lý giải và nêu đối với vấn đề liên quan xăng dầu cũng được các vị đại biểu quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm, trao đổi thảo luận, chất vấn tại kỳ họp thứ 4 này.

Đối với những nội dung liên quan đến xăng dầu, tại Nghị quyết của kỳ họp và Nghị quyết của Quốc hội cũng được thông qua vấn đề phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, Quốc hội cũng đã quyết định một loạt các chỉ tiêu, giải pháp, trong đó có yêu cầu Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế phải tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô kiềm chế lạm phát thúc đẩy tăng trưởng.

Với biến động khó lường về giá xăng dầu tạo ra sức ép mạnh với lạm phát và áp lực của lạm phát với nền kinh tế, vi vậy chúng ta phải tao ra mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tế. “Vì vậy giá xăng dầu phải được bình ổn, đảm bảo đời sống cũng đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các các thành phần kinh tế, đây được coi là mục tiêu quan trọng”- bà Yến nói.

Bà Yến khẳng định, trong thời gian tới các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc tổ chức thực hiện điều hành của Chính phủ liên quan đến vấn đề xăng dầu.

Có thể thấy, bên cạnh những con số ấn tượng ấy, cử tri và Nhân dân cả nước, có thể cảm nhận không khí nghị trường nóng bỏng khi chứng kiến phần hỏi đáp trong các phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội và các trường ngành, dưới sự điều hành của lãnh đạo Quốc hội.

Đánh giá về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết việc lựa chọn đúng và trúng vấn đề, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của bộ máy nhà nước và người đứng đầu cơ quan.

Hơn nữa, kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Nhiều đại biểu Quốc hội đặt lại câu hỏi tranh luận đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục.

“Nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, cũng chính là sự chia sẻ, đồng hành trong quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, tìm ra các giải pháp, các quyết sách phù hợp, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thanh Nhung - Châu Giang - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh