Chiều 31/3, các đại biểu Quốc hội đã được dành thời gian để thảo luận tại mỗi đoàn về việc UB Thường vụ Quốc hội trình phương án nhân sự là Bộ trưởng Trần Đại Quang để bầu làm Chủ tịch nước mới. Theo chương trình làm việc của Quốc hội, đầu buổi sáng nay, UB Thường vụ Quốc hội báo cáo lại kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về dự kiến nhân sự này. Sau đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận trước khi thông qua danh sách người ứng cử.
Tuy nhiên, khó có khả năng có nhân sự khác ngoài ông Trần Đại Quang đủ điều kiện ứng cử chức danh Chủ tịch nước vì theo quy định, Chủ tịch nước là một trong những lãnh đạo đứng đầu các cơ quan nhà nước phải là Uỷ viên Bộ chính trị mà trong Đảng chỉ duy nhất ông Quang được Trung ương thống nhất giới thiệu ứng cử.
Như vậy, nếu đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng tự ứng cử thì không đủ điều kiện để đưa vào danh sách bầu còn nếu đại biểu Quốc hội là Đảng viên được giới thiệu ứng cử thì cũng sẽ tự xin rút vì không được Đảng phân công ứng cử làm Chủ tịch nước.
Là ứng viên duy nhất cho chức vụ người đứng đầu nhà nước, chỉ cần đạt số “phiếu thuận” quá bán trên tổng số 494 đại biểu Quốc hội, Đại tướng Trần Đại Quang sẽ chính thức trở thành người kế nhiệm của Chủ tịch Trương Tấn Sang và là vị Chủ tịch nước thứ 2 mang quân hàm Đại tướng trong lịch sử Việt Nam. Tân Chủ tịch nước cũng sẽ trải qua nghi thức tuyên thệ nhậm chức, thực hiện lời thề trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và với Hiến pháp tương tự như tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm 2 ngày trước.
Cùng với việc tân Chủ tịch nước ra mắt, nhiệm kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ chính thức kết thúc vì lúc này Nghị quyết miễn nhiệm với ông Sang của Quốc hội cũng có hiệu lực thi hành.
Cũng trong buổi sáng nay, sau khi bầu được Chủ tịch nước mới, Quốc hội tiếp tục nghe tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy banThường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.