THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:31

Bộ Ngoại giao: Miễn visa phải dựa trên nguyên tắc “có đi, có lại”

Trước đề xuất về việc nới lỏng chính sách visa nhằm tạo đà cho du lịch Việt Nam phát triển, chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 2/5, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định Bộ Ngoại giao luôn ủng hộ, sát cánh với ngành du lịch trong việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đơn giản hóa thủ tục thị thực nhằm tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, có việc đơn phương miễn thị thực cho 13 nước. Đặc biệt, Quốc hội và Chính phủ cũng cho triển khai thí điểm cấp visa điện tử cho công dân của 80 quốc gia. Các thủ tục này rất thuận lợi và bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, việc mở rộng danh sách các nước miễn thị thực đơn phương phải được xem xét tổng thế nhiều yếu tố, trong đó đảm bảo nguyên tắc "có đi, có lại" trong quan hệ đối ngoại.

 

 

Về đề xuất mở rộng danh sách các nước miễn thị thực đơn phương, theo ông Dũng đây thuộc về thẩm quyền quyết định của Chính phủ trên cơ sở xem xét tổng thể các yếu tố phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh xã hội và nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ đối ngoại.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cho rằng, hiện nay công dân Việt Nam ra nước ngoài vẫn phải xin visa rất khó khăn, phức tạp ngay cả ở những nước được ta đơn phương miễn thị thực cho công dân của họ.

“Mỗi năm, Việt Nam có hơn 10 triệu công dân ra nước ngoài nhưng việc xin visa tại một số nước rất khó khăn. Đây là điều mà chúng ta cần phải lưu ý khi xây dựng chính sách visa, để đảm bảo việc “có đi có lại”, đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài”, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao cũng cho biết, Bộ ngoại giao luôn sẵn sàng phối hợp với các Bộ ban ngành liên quan trong việc đề xuất các chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài nhập – xuất cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch.

Trước đó, phát biểu trong Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, phiên Hiến kế về Du lịch sáng 2/5, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách visa chính là “nút thắt” khiến du lịch Việt Nam không thể “bứt phá”.

So với các nước trong khu vực thì thị thực của Việt Nam xếp hạng thấp. Hiện nay, Thái Lan miễn thị thực cho 61 nước, Indonesia miễn thị thực cho 169 nước, Malaysia là 155 nước… nhưng Việt Nam mới chỉ miễn visa đơn phương cho 13 nước.

Theo các đơn vị lữ hành, chính sách visa của Việt Nam hiện nay chính là "nút thắt" khiến ngành du lịch chưa thể bứt phá như kỳ vọng

Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho rằng, ngoài việc mở rộng danh sách miễn visa, Việt Nam cần có chính sách cấp visa 5 – 10 năm cho những dòng đối tượng khách đặc thù như: có thu nhập cao, nhân thân tốt, những người thường xuyên đi công tác, du lịch… để thu hút được lượng khách "nhà giàu", chi tiêu cao đến Việt Nam.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Kỳ Tổng giám đốc Vietravel cũng cho rằng, nếu chưa thể bỏ visa thì thời gian tới có thể áp dụng chính sách visa linh hoạt để thu hút khách du lịch. Cụ thể, chúng ta có thể học hỏi các thị trường như Đài Loan áp dụng chính sách visa quan hồng cho Việt Nam, hay Mỹ đặt giới hạn về visa để xác định thị trường trọng điểm… Việt Nam có thể cấp visa theo thị trường, theo mùa hoặc theo sự kiện.

“Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như: giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak Tháng 5/2019… Đối với các sự kiện này, khách chỉ cần có vé là có thể được miễn visa để tham dự. Điều này sẽ thu hút và tạo điều kiện để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn”, ông Kỳ nói.

Ngoài ra, nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất cần kéo dài thời gian lưu trú cho khách quốc tế từ 15 lên 30 ngày. Bởi lẽ, kỳ nghỉ tại nhiều quốc gia kéo dài lâu, hạn mức thời gian quy định của Việt Nam quá ngắn, chưa đủ giúp khách kịp trải nghiệm, tận hưởng và khám phá các điểm đến du lịch.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh