CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Bố mẹ đồng hành để cùng con thực hiện ước mơ

Kỳ vọng của cha mẹ và những mặt trái

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện toạ đàm trực tuyến "Ước mơ của con – Kỳ vọng của cha mẹ" với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children).

Trong chuỗi Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được MSD thực hiện vào tháng 4 vừa qua tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều em học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình rằng các em chưa thực sự được lắng nghe và tham gia về các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí,… Một em trai ở Đắk Lắk cho rằng: "Ba mẹ em tự ý sắp đặt tương lai của em. Em muốn học nghề nhưng cha mẹ lại muốn em học đại học để phát triển bản thân. Em đã nói chuyện với bố mẹ rồi nhưng không khả quan".

Bố mẹ đồng hành để cùng con thực hiện ước mơ - Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự tọa đàm.

Một em gái ở Lào Cai đã chia sẻ: "Em mong bố mẹ không ép con trong học tập. Thay vào, bố mẹ nên lắng nghe và giúp mình sửa lỗi sai, không dùng bạo lực với mình.

Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) việc cha mẹ đặt kì vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Hiện nay trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn. Mong muốn, kỳ vọng thì không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của trẻ, có những kỳ vọng rất lớn thì sẽ tạo ra cho trẻ sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. 

"Mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau. Chúng ta không thể bắt một trẻ có thiên hướng về âm nhạc hội họa đi học bác sĩ. Khả năng con mình chỉ có vậy nhưng lại yêu cầu con phải học trường chuyên lớp chọn. Nếu trẻ có làm thì cũng không cảm thấy thoải mái, chỉ là chống đối. Vì vậy, chúng ta cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ. Chúng ta cần dõi theo trẻ, hướng trẻ để làm sao trẻ đều có thể theo đuổi ước mơ, và chúng ta cũng đạt được kỳ vọng, để trẻ không cảm thấy bị bố mẹ ngó lơ suy nghĩ, ý kiến của mình", ông Quý nói.

Bình luận các quan niệm của cha mẹ và con cái về khoảng cách giữa ước mơ của con, kỳ vọng của cha mẹ, bà Nguyễn Phương Linh Viện trưởng MSD cho rằng, cha mẹ thường lấy lý do "vì con" và "cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con" để nguỵ biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Nếu cha mẹ nhớ lại hồi mình còn trẻ, tôi không biết có bao nhiêu cha mẹ thực sự nghĩ là cha mẹ mình hiểu mình, cha mẹ đã quên mất hồi còn bé mình cũng là một cá nhân có những suy nghĩ độc lập với cha mẹ, có ước mơ và có những định hướng của riêng mình cần được tôn trọng.

Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, chuyên gia tâm lý, việc các bậc phụ huynh không thật sự thấu hiểu con, gò ép con sống theo lý tưởng của bố mẹ, kỳ vọng quá nhiều dẫn đến gây áp lực cho con vẫn còn khá phổ biến.

Cha mẹ hãy là người tạo động lực cho con cái

PGS.TS Lê Văn Hảo gợi ý phương pháp để cha mẹ và con cái có tiếng nói chung. Đó là, trong bất kỳ tình huống nào, nên duy trì mối quan hệ tốt với con để đem lại ảnh hưởng tích cực cho con. Phần lớn mâu thuẫn trong gia đình đều tiếp tục khi trong gia đình không có giao tiếp, hoặc giao tiếp không phù hợp khiến cho một trong hai bên bị tổn thương. Cha mẹ phải hiểu con thì mới có thể hỗ trợ con. Như vậy, cha mẹ vừa là người lắng nghe, vừa là người hướng dẫn, cổ vũ con. Khi chúng ta thay đổi, thì kết quả sẽ thay đổi. Ông Hảo cũng nhấn mạnh: "Cha mẹ nên dùng phương pháp giáo dục tích cực - cùng nhau thảo luận các giới hạn phù hợp, các giới hạn trong gia đình, theo pháp luật, theo xã hội và cuộc sống, để cùng nhau tuân thủ nhưng không hạn chế các tiềm năng của trẻ".

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Phương Linh đưa ra lời khuyên với các phụ huynh: "Nên "họp gia đình" dành thời gian để nói chuyện và trao đổi với con ít nhất 1 giờ có chất lượng hàng ngày ngay từ khi con còn nhỏ. Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con."

Bà Linh chia sẻ một bí kíp Hành động cho cha mẹ với chữ ACT - trong đó A là Accompany - Đồng hành cùng con; C - Commitment và Communication: Cam kế tôn trọng con và trao đổi nói chuyện với con hàng ngày; và T là Time - dành thời gian chất lượng cho con. Bà Linh cũng nhấn mạnh: "Trẻ em cần học để lớn khôn, cha mẹ cũng cần học tập các phương pháp giáo dục tích cực để là động lực, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, tối đa hoá các tiềm năng của mình. Chúng tôi luôn đồng hành cùng cha mẹ trong tiến trình cùng con khôn lớn"

Ông Khuất Văn Quý cho biết, về phía các cơ quan nhà nước đang có chính sách, chương trình gì để hỗ trợ các gia đình trong việc tìm được tiếng nói chung, bảo vệ quyền và sự tham gia của trẻ em, cụ thể là: "Chúng tôi đã phối hợp với Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội để thực hiện nhiều chương trình, chính sách đảm bảo việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức truyền thông, sự kiện về gia đình, trong số đó đều có những nội dung liên quan đến việc trẻ em được lên tiếng về những ý kiến trong gia đình, lắng nghe trẻ em bằng trái tim, cha mẹ đồng hành và làm bạn cùng con. Bên cạnh đó, Bộ cũng có tập huấn cho các cán bộ về gia đình ở các cấp, bao gồm cả ở các địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tôn trọng - bình đẳng - yêu thương. Chúng tôi cũng đang mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc để cha mẹ có thể tham khảo đồng hành cùng con khôn lớn một cách hiệu quả ".

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh