THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:28

Bộ máy hành chính: Khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước

 

Hôm nay Quốc hội thảo luận ở Hội trường về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

 

Theo đó, sáng nay 30/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Sau đó, Quốc hội dành thời gian cả ngày thảo luận ở hội trường về nội dung này. Đây có lẽ là một trong những nội dung mà cử tri sẽ dành sự quan tâm đặc biệt tại kỳ họp này.

 

Khắc phục chồng chéo trong việc thực hiện chức năng

 Về kết quả rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo cho biết trong giai đoạn này, về cơ bản, Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc: Một việc chỉ do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm; những việc có liên quan đến cơ quan khác thì xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp thực hiện; khắc phục chồng chéo, trùng dẫm hoặc chia cắt trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; chuyển phù hợp những công việc không nhất thiết Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp phải thực hiện để giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm, vừa tạo điều kiện tinh gọn bộ máy hành chính, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động chung của toàn xã hội.

 Tuy nhiên, trên thực tế tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, vẫn còn một số vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen.

 Cụ thể là, trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2011 - 2016, còn 16 vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen; 2 vấn đề còn bỏ trống; 4 vấn đề cần tăng cường phối hợp.

 Đến nay, qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương đã xác định 3 vấn đề còn có sự giao thoa và 9 vấn đề cần có sự phân công, phối hợp quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Phụ lục IIc). Các vấn đề giao thoa này sẽ được Chính phủ tập trung chỉ đạo để khắc phục trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Giảm 8 đầu mối Bộ máy cơ quan Chính phủ

 Về kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo cho biết, Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 có 30 cơ quan, gồm: 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ; 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

 So với Chính phủ khoá XI giảm được 8 đầu mối, cụ thể: Giảm 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ (do hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương; hợp nhất Bộ Thuỷ sản và Bộ NN&PTNT thành Bộ NN&PTNT; hợp nhất Bộ Văn hoá - Thông tin với Uỷ ban Thể dục Thể thao thành Bộ VHTTDL và giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em) và giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ (chuyển Tổng cục Du lịch vào Bộ VHTTDL quản lý; chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ quản lý).

 Tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 được giữ ổn định như Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011.

 Ngoài các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu trên, hiện nay còn có một số tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương (đã đưa về Ban Nội chính Trung ương); các Ban Chỉ đạo hoạt động theo hình thức tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, trong đó quy định về Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo có biên chế công chức chuyên trách; Hội đồng cạnh tranh.

Về sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, báo cáo cho biết, số lượng vụ, cục, tổng cục và tổ chức tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011, 2011 - 2016, 2016 - 2021 

Theo báo cáo, qua sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, tổ chức chỉ thực hiện chức năng tham mưu (vụ) có xu hướng giảm, tổ chức quản lý chuyên ngành vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa tổ chức thực thi (tổng cục, cục) theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có xu hướng tăng là cần thiết và hợp lý trước yêu cầu đòi hỏi quản lý chuyên sâu đối với ngành, lĩnh vực; góp phần nâng cao tính ổn định của hệ thống tổ chức hành chính nhà nước; tạo điều kiện để mở rộng hơn quy mô tổ chức các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; giúp các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung nhiều hơn vào quản lý vĩ mô, phối hợp giải quyết đồng bộ các vấn đề liên ngành có hiệu quả hơn.

 Trong quá trình tổ chức mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cho thấy, các chuyên ngành là cơ sở tổ chức quản lý để phát triển; từ đó dù tách hay nhập tổ chức theo mô hình quản lý nào vẫn không mất đi tính chuyên ngành, kể cả trường hợp sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể một Bộ nào đó, thì các cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn được duy trì phát triển và chuyển giao cho các Bộ tương ứng quản lý.

 Đối tượng chuyên ngành cần quản lý chuyên sâu, ổn định, thường xuyên, liên tục trong mối quan hệ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với sự phát triển tương xứng của lực lượng sản xuất và tiến bộ khoa học - kỹ thuật - công nghệ.

 Theo đó, các tổ chức quản lý chuyên ngành có tính độc lập tương đối theo đặc điểm, tính chất của từng chuyên ngành. Vì vậy, các tổ chức quản lý chuyên ngành tuy nằm trong cùng cơ cấu tổ chức của Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng không hoà tan mất tính chuyên ngành mà quan trọng hơn là hình thành cơ chế phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các chuyên ngành trong cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực để bổ sung, hỗ trợ, tạo hợp lực phát triển có hiệu quả hơn.

 

Hơn 2 triệu người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập

 Về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, báo cáo cho biết, tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương được giao năm 2016 là 2.093.313 người (tăng so với năm 2011 là 121.736 người). Trong đó, ở Trung ương là 201.901 người; địa phương là 1.891.412 người.

 Số viên chức có mặt tại thời điểm 31/12/2016 là 2.102.477 người. Trong đó ở Trung ương là 226.344 người; địa phương là 1.876.133 người.

 Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương còn tự hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể tính đến 30/11/2016 tổng hợp từ 64 bộ, ngành, địa phương có 144.914 người (18 Bộ, ngành: 21.436 người; 46 địa phương: 123.478 người).

 

 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh