Bộ LĐ-TB&XH: Tinh gọn bộ máy gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
- Tây Y
- 08:02 - 01/12/2021
Giảm số lượng, tăng chất lượng
Quán triệt, trao đổi định hướng một số nội dung tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn Khảo sát Nguyễn Hòa Bình cho biết theo quy định mới của Trung ương, việc quản lý và quyết định biên chế do Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo. Để tham mưu cho Bộ Chính trị quyết định những vấn đề về biên chế, cán bộ, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế. Ban Chỉ đạo cũng tổ chức đoàn công tác đi các địa phương; bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ LĐ-TB&XH để khảo sát công tác quản lý biên chế.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Trưởng đoàn Khảo sát Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Trong thời gian vừa qua là một giai đoạn hết sức khó khăn: dịch Covid 19, kinh tế đất nước suy giảm, công nhân thất nghiệp và nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Nhưng đây cũng là một phép thử đối với Bộ LĐ-TB&XH. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, trách nhiệm các chính sách xã hội đặc biệt các chính sách lao động, người có công và các đối tượng yếu thế. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách an sinh hỗ trợ người dân trong đại dịch.
Thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn đảng và phát triển kinh tế xã hội thích ứng an toàn và linh hoạt phục hồi hồi kinh tế, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã thực hiện một loạt đề án liên quan đến người lao động như dạy nghề, việc làm. Các đề án được thực hiện đã góp phần quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, thời gian qua, Trung ương đã có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết này được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt, xuất hiện nhiều điểm sáng. Đúng tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW giảm biên chế nhưng kết hợp với tăng chất lượng. Nếu chỉ giảm đơn thuần mà không làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ tốt hơn thì không đúng với Nghị quyết của Đảng” – Trưởng Đoàn Khảo sát Nguyễn Hòa Bình đánh giá.
Tinh, gọn, hiệu quả
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan đặc thù, quản lý đa lĩnh vưc (14 lĩnh vực). Tất cả chính sách của ngành phục vụ phần đông đối tượng yếu thế, khó khăn và những đối tượng nhạy cảm. Có những lĩnh vực vấn đề, lĩnh vực cần phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ngành hoặc địa phương khác rất lớn.
Bộ trưởng dẫn chứng, lĩnh vưc giảm nghèo do Bộ phụ trách nhưng không thể trực tiếp làm được. Hay vừa qua lực lượng lao động thiếu do Covid -19, về quản lý nhà nước thì là trách nhiệm của Bộ nhưng tại địa bàn là do các địa phương. Một số lĩnh vực khác Bộ là cơ quan xây dựng chính sách nhưng tổ chức thực hiện chính sách là do các địa phương cụ thể là Nghị quyết 68.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mục tiêu chúng ta hướng tới an sinh xã hội toàn dân, nâng cao mặt bằng an sinh, phúc lợi xã hội. “Nhưng muốn đạt được mục tiêu mọi người dân có quyền tham gia và thụ hưởng chính sách thì lực lượng làm công tác an sinh phải ổn định mới có thể làm tốt nhiệm vụ” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19, có nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ phải làm việc đến đêm, tinh thần "chưa xong việc chưa về nhà" để làm ra chính sách, đề án đề xuất lên Chính phủ, Trung ương những quyết sách hỗ trợ toàn dân chống dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có những lĩnh vực hoạt động Bộ LĐ-TB&XH phải đảm đương 100% như hỗ người yếu thế, người có công, trẻ em... những đối tượng đặc thù. Còn với những lĩnh vực có thể kêu gọi hợp tác công tư tốt, tư nhân làm được thì Bộ giao tự chủ luôn. “Việc tinh giản biên chế cần làm một cách thực chất, hiệu quả, không nên chạy theo tỷ lệ, cào bằng” – Bộ trưởng kiến nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, tinh thần sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ LĐ-TB&XH là sẽ tự chủ, tự chủ càng sớm càng tốt. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng giảm cấp trung gian, tinh gọn bộ máy bên trong các đơn vị thuộc Bộ: không tổ chức phòng trong Vụ; chuyển đổi mô hình 01 Cục thành Vụ và giảm 03 đầu mối thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp, sáp nhập các phòng chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng, giảm tối đa phòng hỗ trợ, phục vụ dự kiến giảm 18/76 phòng (tương ứng giảm 23,7%) tại các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ.
Thay mặt Đoàn Khảo sát, đồng chí Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh công tác chuẩn bị cho buổi làm việc của Bộ LĐ-TB&XH, đã bám sát hướng dẫn, kế hoạch khảo sát của Ban Chỉ đạo.
Về các chương trình, nhiệm vụ đặt ra Bộ đã có các Chương trình, kế hoạch cụ thể. Nhiều văn bản điều chỉnh của Bộ và tham mưu cho Chính phủ thể hiện rõ tinh thần quyết liệt đổi mới trong công tác chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Về tinh giảm biên chế và sắp xếp bộ máy trong khu vực sự nghiệp của Bộ đã giảm rất mạnh cả về đầu mối và biên chế. Đặc biệt việc chuyển đổi hưởng lương từ ngân sách sang tự chủ rất cao. Cơ cấu đội ngũ cán bộ hợp lý khoa học, chất lượng nâng lên đúng tinh thần chủ trương của Đảng.
Trên cơ sở báo cáo về công tác quản lý biên chế năm 2016-2021 của Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Đoàn Khảo sát Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ LĐ-TB&XH đưa ra những kiến nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương để kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, trên tinh thần thực hiện nghiêm các chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị về biên chế và tổ chức cán bộ cũng như sát với tình hình thực tiễn đơn vị; yêu cầu đặt ra là gọn bộ máy nhưng chất lượng phải tinh, hiệu quả tốt.
Báo cáo kết quả thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021, cho thấy, năm 2021, Bộ được giao 683 biên chế công chức (giảm 55 người so với năm 2017; giảm 65 người so với năm 2015). Tính đến thời điểm 30/6/2021, số biên chế công chức thực tế có mặt là 617 người; số biên chế còn lại, Bộ đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức bằng hình thức thi tuyển năm 2022; đồng thời, thực hiện tiếp nhận các trường hợp có kinh nghiệm công tác vào vị trí chuyên môn, lãnh đạo quản lý. Về việc quản lý và sử dụng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế viên chức); hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, năm 2021, Bộ được giao 2.613 biên chế viên chức và hợp đồng 68 (2.560 viên chức và 53 hợp đồng 68). Tính đến năm 2021, số lượng người làm việc Bộ Nội vụ giao cho Bộ đã giảm 291 người (gồm 285 viên chức và 06 hợp đồng 68) từ 2.904 người năm 2015 xuống còn 2.613 người năm 2021 (chiếm 10,02%).
Trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV (2016-2021), Tổ chức bộ máy và số lượng người làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ được kiện toàn theo hướng tinh gọn hơn, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Việc bố trí, sắp xếp viên chức của các đơn vị cơ bản phù hợp với vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, qua đó đã phát huy được năng lực, sở trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.