CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:29

Bộ LĐ-TB&XH lên tiếng về vụ kiểm lâm tử vong không được công nhận liệt sĩ

 

Bố kiểm lâm Trần Văn Quý bên bàn thờ của con mình


Thưa ông, theo kết luận của cơ quan điều tra huyện Đại Lộc (Quảng Nam), sự việc dẫn tới cái chết của kiểm lâm viên Trần Văn Quý ra sao?

Theo hồ sơ vụ việc, kiểm lâm viên Trần Văn Quý thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, bị chết đuối ngày 15/5/2011 khi Tổ công tác đội Kiểm lâm cơ động phát hiện gỗ trái phép giấu dưới lòng sông Mò O và tiến hành trục vớt.

Theo Kết quả điều tra số 28/CV-CSĐT ngày 01/6/2011 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Đại Lộc, nội dung sự việc cụ thể như sau: "Trước khi trục vớt gỗ, anh Đinh Anh Tuấn (Tổ trưởng Tổ công tác đội Kiểm lâm cơ động) yêu cầu các kiểm lâm viên mặc áo phao, nhưng các kiểm lâm viên cho rằng nước cạn nên không cần mặc áo phao... Khi Quý xuống sông lội (bơi) được khoảng từ  4-5 m thì bị sụp vào hố nước sâu và có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi. Quý bị chìm dưới lòng sông, chết đuối".

Vậy, căn cứ theo quy định pháp luật Việt Nam, việc công nhận liệt sĩ với trường hợp kiểm lâm Trần Văn Quý có đạt tiêu chuẩn không? Xin ông giải thích cụ thể?

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số  54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ: “Trường hợp bị chết do tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị... thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ.

Theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH  ngày 15 tháng 5  năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những căn cứ để cấp Giấy báo tử xác nhận liệt sĩ là Kết luận của cơ quan điều tra, hoặc biên bản xảy ra sự việc do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh, hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập. Đây là các văn bản có tính pháp lý, khách quan.

Trường hợp kiểm lâm Trần Văn Quý, theo Kết quả điều tra số 28/CV-CSĐT nêu trên, đã không chấp hành yêu cầu của Tổ trưởng về việc mặc áo phao trước khi tiến hành trục vớt do cho rằng nước cạn nên không cần mặc áo phao...

Việc chủ quan, không chấp hành yêu cầu của Tổ trưởng đã dẫn đến tai nạn đáng tiếc mà lẽ ra đã có thể tránh được.

Như vậy, theo kết luận của cơ quan điều tra, việc “không mặc áo phao” của kiểm lâm Trần Văn Quý là yếu tố thể hiện việc vi phạm quy định an toàn lao động trong quá trình làm việc. Trong khi đó, bố nạn nhân nói: “…Đang đi công tác phát hiện đột xuất nên không có áo phao để mặc”. Ông có thể phân tích sâu hơn?

Kết quả điều tra số 28/CV-CSĐT ngày 01/6/2011 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Đại Lộc đã ghi rõ: Tổ công tác có 7 người. “Khi đi tổ công tác mang theo 01 khẩu súng K59, 01 khẩu tiểu liên AK, 01 bình xịt hơi cay, 07 chiếc áo phao và giấy tờ tài liệu". Có 3 người trực tiếp lội xuống sông để trục vớt gỗ, sau đó kiểm lâm Quý cùng kiểm lâm Thắng xuống sông cùng tham gia nhưng Quý xuống sông bơi được khoảng 4-5mét thì bị sụp vào hố nước sâu và có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi”.

Như vậy, kết luận của cơ quan có thẩm quyền kết luận khác với ý kiến đã nêu.

Theo bố nạn nhân, kiểm lâm viên Trần Văn Quý phải cứu gỗ trong điều kiện “Nếu không có người trục vớt kịp thời số gỗ trên thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước”, liệu đây có phải là yếu tố có thể xem xét không, thưa ông?

Theo hồ sơ vụ việc của các cơ quan chức năng thì việc trục vớt gỗ nhằm phục vụ công tác điều tra xử lý theo chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm lâm (Tờ trình số 199/Ttr-SNN&PTNT ngày 12/6/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, Công văn số 3862/UBND-VX ngày 04/10/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam) không đề cập đến nội dung như câu hỏi đã nêu.

Liên quan tới sự việc này, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cũng có công văn đề nghị xem xét Bộ LĐ-TB&XH công nhận trường hợp này. Vậy phải chăng các cơ quan trên đều không rõ nguyên nhân, thưa ông?

Một lần nữa, chúng tôi xin chia sẻ với nỗi đau thương mất mát này cùng gia đình ông Trần Văn Quý. Trong các văn bản trả lời cho Sở LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Quảng Nam, Cục Người có công và Bộ LĐ-TB&XH đã có giải thích lý do vì sao trường hợp ông Trần Văn Quý không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ.

Tuy nhiên, gần đây có ý kiến nêu lại vấn đề này. Do vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có cuộc làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam để kết luận cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, kiểm lâm Trần Văn Quý dù không được công nhận là liệt sĩ nhưng do mất trong quá trình công tác, việc hỗ trợ vẫn phải đặt ra, thưa ông?

Kiểm lâm Trần Văn Quý dù không được công nhận là liệt sĩ nhưng do mất trong quá trình công tác nên vẫn được hưởng các chế độ theo qui định của Luật Bảo hiểm Xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoàng Mạnh/Dân trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh