THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:11

Bộ LĐ-TB&XH: Không nợ đọng văn bản

 

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH 

 

Cơ bản các luật, pháp lệnh, văn bản qui định chi tiết đã đi vào cuộc sống

Báo cáo về tình hình ban hành và thực hiện các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã ban hành; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến những năm tiếp theo và kế hoạch nghiên cứu phê chuẩn các Công ước lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền cơ bản đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các doanh nghiệp, người dân, đăng tải trên website của Bộ, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thông cáo báo chí các văn bản, chính sách mới ban hành.

 Qua theo dõi, cơ bản các luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết đã đi vào cuộc sống. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu rõ: “Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ đã phối hợp các Ủy ban của Quốc hội kiểm tra ở một số địa phương, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế để kiểm tra tình hình thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và đối thoại với doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật của ngành. Những vấn đề còn vướng mắc nhiều doanh nghiệp khuyến nghị như: vấn đề thời gian làm them giờ, quy định về điều kiện tiếp nhận người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đảm bảo đơn giản hóa thủ tục vẫn đáp ứng giữ được các chuyên gia giỏi và đảm bảo sử dụng lao động trong nước, vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, lương tối thiểu, tuổi lao động… Bộ LĐ-TB&XH đang tập hợp những vướng mắc để tham mưu báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để có phương án xử lý phù hợp”.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc

 

Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Bộ luật Lao động và Pháp lệnh Ưu đãi người có công

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2016 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo đăng ký của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2016 và năm 2017, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về thời hạn trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng ký trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này sớm hơn một kỳ họp. Dự án sửa đổi, bổ sung luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

 

Về tiến độ thực hiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hiện Bộ đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng Cty đánh giá sơ kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, dự kiến hết tháng 6 sẽ hoàn thành. Theo ​Thứ trưởng Đàm, dự luật sẽ sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Bộ luật Lao động 2012 đã phát sinh hoặc dự kiến phát sinh trong thực tiễn nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 để đảm bảo phù hợp với nội dung các luật đã ban hành trong thời gian gần đây. Mặt khác, sẽ sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động, việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và cam kết trong hiệp định TPP.

Bên cạnh sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, việc sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng cũng là một trong những nội dung chính của chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2016-2017.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đều đánh giá sau gần 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng 2012 và các văn bản hướng dẫn, cơ bản các chế độ ưu đãi NCC đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Tuy nhiên, còn một số nội dung thực tiễn đòi hỏi nhưng chưa được quy định tại Pháp lệnh.

Theo đó, Pháp lệnh cần phải điều chỉnh đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được công nhận và thực tiễn chế độ ưu đãi trước ngày 1/9/2012. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định về khám, giám định lại vết thương tái phát với người bị thương đã được hưởng trợ cấp 1 lần, suy giảm khả năng lao động dưới 21%. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng pháp lệnh chưa quy định chế độ trợ cấp một lần cho thân nhân của các đối tượng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ​biết, trước mắt cần thiết phải sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng nhưng về lâu dài cần nâng pháp lệnh lên thành Luật NCC. “Việc sửa đổi và nâng Pháp lệnh lên thành Luật NCC càng làm sớm càng tốt, vì nếu chúng ta chậm trễ, sẽ có những người không kịp hưởng…”- Ông Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết những tồn đọng về chính sách NCC

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về cơ bản các đối tượng có công đã được hưởng chế độ chính sách. Tuy nhiên, còn tỷ lệ nhỏ NCC vì nhiều lý do nên chưa được hưởng chế độ. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐ-TB&XH ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết những tồn đọng về chính sách NCC . Hiện Bộ đang chuẩn bị xây dựng hồ sơ trình về dự án này gồm dự thảo tờ trình và dự thảo pháp lệnh. Đặc biệt, Bộ sẽ gửi công văn xin ý kiến của các địa phương có kinh nghiệm giải quyết tốt hồ sơ, chế độ chính sách cho NCC. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung hoàn thiện sửa đổi pháp lệnh để nâng lên thành Luật NCC. Bộ trưởng cũng khẳng định, bên cạnh việc giải quyết những tồn đọng về chính sách NCC, Bộ LĐ-TB&XH cũng tập trung đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng dạy nghề gắn với mục tiêu dạy nghề bền vững. Đồng thời tập trung giải quyết vấn đề lao động, quan hệ lao động trong giai đoạn hiện nay…

Nhất trí cao với những đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao việc Bộ LĐ-TB&XH đến thời điểm này không còn tồn đọng văn bản, đưa các luật, pháp lệnh vào cuộc sống một cách hiệu quả. Bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tập trung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng đúng tiến độ. Bên cạnh đó tập trung nghiên cứu xây dựng các dự luật Phòng, chống mại dâm, sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự án Luật Trợ giúp xã hội, Công tác xã hội…, đồng thời rà soát các luật khác đã ban hành để sửa đổi kịp thời cho đồng bộ với hệ thống pháp luật của Việt Nam.

 

Trong giai đoạn 2018 – 2020, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ nghiên cứu các dự án luật như: Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm nâng lên thành luật; Dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Dự án Luật Trợ giúp xã hội; Luật Công tác xã hội.

Giai đoạn 2016 -2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến đề xuất phê chuẩn 11 công ước. Cụ thể có 1 công ước của Liên hợp quốc về Bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, 10 công ước của ILO, gồm 3 công ước cơ bản và 7 công ước kỹ thuật, công ước quản trị.

Huyền Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh