Bộ Giao thông đề nghị Hà Nội giải tán cà phê đường tàu
- Y học 360
- 01:00 - 06/10/2019
Vietnamplus đưa tin, theo thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), trong chín tháng của năm nay (từ 16/12/2018 đến 15/9/2019 ) trên mạng lưới đường sắt quốc gia đã xảy ra 207 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 3,7% so với cùng kỳ 2018; làm chết 94 người, giảm 9,6%; bị thương 114 người, tăng 14%.
Chỉ trong tháng 9 vừa qua (tính từ 16/8 đến 15/9/2019), xảy ra 24 vụ, tăng 40% so với cùng kỳ 2018, làm chết 9 người (tăng 25%), làm bị thương 15 người (tăng 300%), trong đó có 15 vụ tai nạn ít nghiêm trọng; 9 vụ tai nạn nghiêm trọng. Vị trí xảy ra tai nạn tại lối đi tự mở 7 vụ, đường ngang biển báo 5 vụ, dọc đường 9 vụ…
Đánh giá 9 tháng qua, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra nguyên nhân các vụ tai nạn do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.
Theo Tiền Phong, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt đến người dân. Khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân, cần tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật. Khi quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm đến hành lang an toàn giao thông đường sắt.
“Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm, thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt”, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.
Hà Nội được đề nghị chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt.
Đặc biệt, Hà Nội cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm hành lang, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.