THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:04

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời về đề xuất nâng tầng để làm lớp học của Hà Nội

Năm 2018, Thủ đô đã dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục đào tạo, chiếm tỷ trọng 25,5% ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học, hơn 22.000 phòng học mới, tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%.  Năm học 2018 - 2019, số lượng học sinh lớp 1 ở Hà Nội khoảng 130.000 em, tăng 30.000 học sinh so với năm ngoái. Số lượng học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 11.000 em. Số học sinh vào lớp 10 tăng trên 20.000 em.

Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến sĩ số lớp học được đẩy lên cao. Ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, nhiều trường sĩ số lên đến trên 60 học sinh/lớp, gần gấp đôi so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp. Bàn học chỉ được thiết kế cho hai học sinh nhưng phải ghép ba em một bàn.

Sĩ số cao nhưng vẫn không thể đủ lớp học, các trường phải tổ chức cho các lớp nghỉ học luân phiên trong tuần và học bù vào cuối tuần. Tại quận Hoàng Mai, Trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt, thậm chí còn phải nghỉ học luân phiên đến 2 ngày mỗi tuần.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, được nâng tầng cho các trường học.

Trước thông tin này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; theo đó hướng dẫn các địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng…

Thậm chí, để giải quyết tình trạng thiếu đất, các trường có thể xây dựng cao tầng hơn so với bình thường.

Nhưng xây dựng như thế nào để vừa giảm tải sĩ số vừa bảo đảm an toàn, thuận lợi trong thoát hiểm cho học sinh khi gặp sự cố đang là băn khoăn của nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh.

Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh cho rằng:

"Hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục phổ thông tại Thủ đô đều bố trí phòng hiệu trưởng, hiệu phó, hiệu bộ, phòng họp, phòng hội đồng… ở tầng 1 hoặc rải rác ở tầng 2.

Khi nâng thêm tầng nhưng việc bố trí phòng học phải bảo đảm đúng quy định như ở bậc tiểu học, học sinh chỉ học ở tầng 1, 2, còn lại tầng 3 là bố trí khu làm việc của ban giám hiệu, giáo viên văn phòng, hành chính.

Còn đối với trường trung học (gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông) thì chỉ học ở tầng 1,2,3 còn lại tầng 4 là bố trí khu làm việc văn phòng, hành chính, ban giám hiệu.

Như vậy có nghĩa là các phòng trước đó ở tầng 1 sẽ được cải tạo, sửa chữa thành phòng học, phòng tư vấn học sinh, phòng y tế…".

Cũng theo ông Hùng Anh, còn việc công trình đó có đảm bảo khả năng chịu lực để nâng tầng lên hay không thì Sở Xây dựng địa phương sẽ kiểm soát, trường nào đủ điều kiện nâng tầng thì họ lập dự án để trình cơ quan chuyên môn thẩm định chứ không phải thích là nâng tầng được.

P.V (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh