CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:44

Đâu cũng đào tạo y - dược thì sẽ loạn (!)

 

TS Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh (tỉnh Nghệ An), nhận định, việc Bộ GD&ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành y - dược là quyết định vội vàng.

 Đừng đùa với mạng người

TS Tài cho rằng Bộ GD&ĐT nên xem xét lại quyết định này bởi “ngành y rất đặc biệt, nếu đào tạo không bảo đảm chất lượng ngay lập tức sẽ gây hậu quả”.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó trưởng Bộ môn Giải phẫu - Trường ĐH Y Hà Nội, nhấn mạnh, trong đào tạo y - dược, không phải cứ có giảng đường, giảng viên là xong mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở thực hành. Ngoài cơ sở thực hành trong trường học, sinh viên còn phải được thực hành trong môi trường bệnh viện (BV) và tiếp xúc người bệnh.

“Đào tạo một bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Hà Nội mất 6 năm, ngày học 2 buổi, sáng thực hành, chiều lý thuyết, đêm còn đi trực - gấp 3 lần thời gian học so với các trường khác. Dù được đào tạo bài bản trong một trường có lịch sử hơn 100 năm, nhưng với 6 năm học bác sĩ đa khoa, 9 năm bác sĩ nội trú thì sau khi ra trường, nhiều người chỉ làm được một số công việc chứ chưa thể chịu trách nhiệm khám, điều trị. Vì thế, việc cấp phép cho các trường tư thục đào tạo y - dược là rất đáng lo ngại, đặc biệt là chất lượng đầu ra” - TS Nghĩa băn khoăn.

 

Ngoài học 2 buổi/ngày, sinh viên ngành y còn phải trực tại bệnh viện Ảnh: NGỌC DUNG


PGS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc dễ dãi trong đào tạo sinh viên ngành y - dược. Ông lo ngại: “Ngành y gắn với tính mạng và sức khỏe con người nên nếu dễ dãi trong đào tạo thì có thể phải trả giá bằng sinh mạng con người. Với ngành y, điểm số đầu vào cực kỳ quan trọng. Nếu tuyển sinh với đầu vào khoảng 20 điểm cho 3 môn học, trong khi trường có truyền thống đào tạo y - dược là 28-29 điểm thì rất khó để có chất lượng tốt vì ngành y là ngành đào tạo đặc thù”. Theo ông Quyết, vì thế mà từ trước đến nay, BV Việt Đức hầu như chỉ nhận bác sĩ nội trú của Trường ĐH Y Hà Nội về làm việc.

Trước quan điểm của Bộ GD&ĐT rằng sẽ tăng cường hậu kiểm các trường công lập và tư thục đang được đào tạo ngành y - dược, nhiều chuyên gia trong ngành y tế thẳng thắn bày tỏ điều này không làm họ yên tâm. GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, việc mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Người làm công tác y tế cần được tuyển chọn theo những tiêu chí nhất định chứ không phải chung chung.

“Khi còn là giảng viên Học viện Quân y, tôi từng đến nhà các cháu có nguyện vọng thi vào trường để kiểm tra về nhân thân, đạo đức. Tôi không chỉ kiểm tra trực tiếp mà còn nghe ngóng cả hàng xóm, gia đình và thầy dạy các cháu. Trên cơ sở ấy, các giáo viên phải bảo lãnh, các cháu mới được thi vào trường quân y. Điều này cho thấy công tác tuyển chọn là hết sức cần thiết. Cần nhớ rằng trong cơ chế thị trường hiện nay, việc thắt chặt đầu ra là rất khó” - GS Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo GS Hùng, đội ngũ thầy giáo của các trường phải có truyền thống, kinh nghiệm. Ngoài nhiệt huyết, họ còn phải có phương pháp giảng dạy. “Ngay từ đầu, sinh viên phải có những kiến thức liên quan đến công việc. Đừng nghĩ rằng bất cứ thầy nào giỏi về khoa học tự nhiên đều có thể dạy những kiến thức khoa học cơ bản cho sinh viên, điều này đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn ngay từ đầu khi sinh viên bước vào trường” - GS Hùng phân tích.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trọng Tài băn khoăn rằng quy định chung về điều kiện mở ngành trình độ ĐH mà Bộ GD&ĐT đưa ra (tối thiểu 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng ngành đăng ký, đảm nhận giảng dạy 70% chương trình đào tạo) nếu áp dụng vào ngành y là quá thấp, coi thường chất lượng ngành. Riêng về trường hợp Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, TS Tài cho rằng giảng viên của trường này chủ yếu là người về hưu, nhiều kinh nghiệm nhưng không bảo đảm sự ràng buộc. Việc mở trường chưa được chuẩn bị kỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội.

GS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, cho biết ông không đồng ý với quyết định cấp phép đào tạo ngành y - dược cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. “Nếu cứ cho phép mở ngành y thế thì sẽ… loạn (!)” - ông lo lắng.

 Làm “mất giá” cán bộ y tế

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh phải siết cả đầu vào lẫn chất lượng giảng dạy và đầu ra thì mới mong có người giỏi trong ngành y.

“Đã đến lúc phải siết lại chất lượng đào tạo chứ không phải chạy theo trào lưu. Bác sĩ thì phải xứng đáng là bác sĩ, đừng chạy theo số lượng bác sĩ/vạn dân. Các nước chẳng ai đặt ra chỉ tiêu như thế. Ví dụ, Thái Lan chỉ có 4 bác sĩ/vạn dân, còn chúng ta đang có 7 bác sĩ/vạn dân nhưng đâu có ai nói y tế Thái Lan yếu kém? Chạy theo số lượng, vô hình trung là chạy theo bằng cấp, giảm giá trị của cán bộ y tế” - bà Lan nhìn nhận.

Trước lo ngại của dư luận rằng Bộ GD&ĐT đang tạo tiền lệ cho các trường ĐH đa ngành tiếp tục mở ngành y - dược, bà Lan cho rằng lo ngại này hoàn toàn có lý vì không chỉ riêng trường hợp của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà còn rất nhiều trường khác.

“Căn bệnh trầm kha trong ngành y - dược chính là chạy theo bằng cấp. Cái này là tư duy ăn xổi ở thì, làm mất tất cả giá trị mà trước mắt, bác sĩ hay dược sĩ kém chất lượng ra trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội” - bà Lan nói.

Chuyên gia này còn thẳng thắn đề nghị các bộ liên quan cần xem xét lại toàn diện cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trước khi quyết định cấp phép. Nếu không đạt chất lượng thì phải mạnh dạn không đồng ý, tránh trường hợp lời nói không đi đôi với việc làm.

“Bộ Y tế đã rất nhiều lần kêu ca, phàn nàn về chất lượng của các bác sĩ, dược sĩ ra trường và loạn đào tạo về y - dược. Các bộ phải thống nhất với nhau chứ không thể kêu ca như vậy. Phải đánh giá một cách thực sự khách quan, công bằng, trên thực tế trường đó có bảo đảm chất lượng đào tạo hay không” - bà Lan đề nghị.

Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cũng khẳng định, nếu trường không đạt chuẩn chất lượng thì không cho mở ngành đào tạo y - dược.

Theo YẾN ANH - NGỌC DUNG -VĂN DUẨN / nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh