Nên đưa futsal vào trường học
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 02:32 - 23/02/2016
Futsal đang rất thu hút học sinh, sinh viên - Ảnh: Đình Thắng.
Phù hợp với tố chất người VN
Theo bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy, Trưởng ban Thể thao Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, bóng đá sân cỏ của VN rất khó tiếp cận với thế giới, khó có thể đạt đến trình độ của những đội bóng hàng đầu thế giới, có cơ hội tham gia những sân chơi bóng đá tầm cỡ như World Cup. Thế nhưng futsal là thị trường ngách để VN chen chân vào hàng ngũ những đội mạnh nhất, bằng chứng là đội tuyển futsal VN đã vừa giành vé dự World Cup futsal 2016. “Bộ môn này phù hợp với tố chất của người VN. Tuy thể hình nhỏ bé nhưng sự khéo léo có thể giúp cầu thủ VN chơi tốt futsal”, ông Huy nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, ủy viên thường trực Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), cũng cho rằng futsal phù hợp với tố chất nhanh nhẹn của người VN.
Theo ông Huy, những năm gần đây phong trào futsal trên toàn quốc có khởi sắc, tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở mức chơi tự phát, chơi cho vui chứ chưa tập trung đào sâu những kỹ năng futsal. “Có lẽ vì tuy sân bóng đá nhiều, nhưng số lượng sân futsal còn ít và còn thiếu những lớp huấn luyện về luật chơi, kỹ năng chơi futsal”, ông Huy nói và cho rằng để futsal thật sự phát triển lớn mạnh thì cần đưa bộ môn này vào thể thao học đường. “Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nên phối hợp với Liên đoàn Bóng đá VN có định hướng phát triển futsal học đường. Có định hướng tốt thì các sân chơi futsal sẽ mọc lên nhiều, dần dần tạo nên những kỹ năng bóng đá futsal cho người chơi, có như vậy thì phong trào mới ngày càng tốt và mạnh. Bởi lẽ khi đưa futsal vào học đường thì sẽ gắn với những vấn đề cơ bản, khi đó HS, SV được đào tạo ngay từ đầu”.
Phát triển từ gốc
Ông Trần Anh Tú cũng nhìn nhận muốn futsal VN lớn mạnh thì cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục, vì đó là gốc của mọi vấn đề. Bên cạnh đó, để những tài năng thể thao trong trường học có cơ hội phát triển thì cần phải có nhiều học viện đào tạo các tài năng này. Các học viện có thể do các CLB, các nhà kinh doanh, hoặc bất kỳ ai lập ra. Đấy mới chỉ là phần gốc, còn phần thượng tầng là việc phát triển các CLB, tổ chức các giải đấu có chất lượng, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ môn chơi này.
“Tôi nghĩ rằng cần lớp kế thừa tốt để có thể duy trì vị trí trong bảng xếp hạng futsal thế giới. Để làm được điều này thì cần đầu tư từ gốc, cần đầu tư futsal cho giới trẻ, nhất là HS, SV. Đó là điều tất nhiên và tất yếu để làm. Đó cũng là lý do Liên đoàn Bóng đá TP.HCM kết hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng và thực hiện dự án bóng đá học đường từ năm 2013. Dự án này dạy cho các em học sinh từ lớp 1 trở lên chơi bóng đá theo những bài tập cơ bản dành cho HS, đào tạo hàng trăm giáo viên thể chất thành các hướng dẫn viên để dạy các em chơi bóng đá. Giáo trình do các chuyên gia của bóng đá Premier League của Anh xây dựng và Hội đồng Anh giúp đỡ”, ông Tú nói.
Theo lãnh đạo nhiều trường THCS, THPT, CĐ, ĐH tại TP.HCM, biết dù HS mê futsal nhưng nhà trường chưa thể đáp ứng được vấn đề sân bãi. Đây cũng là khó khăn lớn nhất mà các trường đối mặt. Bên cạnh đó còn gặp những khó khăn như: giáo trình giảng dạy, việc tìm huấn luyện viên, người có chuyên môn về futsal để hướng dẫn, giảng dạy... Với kinh nghiệm của người tiên phong trong việc xây dựng trung tâm đào tạo futsal, ông Tú cho rằng: “Để các em HS được học chơi bóng đá trong trường thì việc đầu tiên là phải được ngành giáo dục, ban giám hiệu các trường ủng hộ và tổ chức sân chơi cho HS. Nếu trường không có sân thì có thể hợp tác với các đơn vị có sân, trong trường hợp phải thuê thì kinh phí có thể bù đắp từ việc thu tiền học. Hầu hết các phụ huynh đều sẵn sàng cho con em mình học vì khi tham gia các hoạt động thể thao này ngoài việc rèn luyện sức khỏe và kỹ năng chơi bóng thì còn giúp cho các em tránh xa các tệ nạn xã hội”. Vị Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM cũng cho biết liên đoàn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm việc dạy và phát triển môn bóng đá futsal trong trường học.
Mong futsal trở thành môn học tự chọn Tại TP.HCM có khá nhiều trường khi phát động bộ môn futsal đã nhận được sự đồng tình của 100% HS. Ông Nguyễn Thống Nhất, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Trường thường xuyên tổ chức phong trào futsal theo những hoạt động chủ điểm của năm học. HS khá hào hứng với bộ môn này khi 58/58 lớp đều đăng ký tham gia”. Còn ông Phan Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), một trong những trường được Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá tổ chức tốt phong trào futsal, cũng cho biết: “Khi trường phát động môn futsal thì 54/54 lớp đều đăng ký tham gia”. Nhìn nhận về phong trào futsal, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Hầu hết trường học không có khu vực sân bãi dành cho bộ môn thể thao này nên một số trường khi tổ chức chơi thường phải đi thuê sân bãi ở các trung tâm TDTT gần trường. Do vậy khi tổ chức phong trào futsal trong nhà trường, Sở kêu gọi trên tinh thần tự nguyện tham gia”. Lê Văn Hậu, SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Mình mong sao futsal sẽ trở thành một trong những môn thể dục tự chọn của HS, SV để có cơ hội tiếp xúc, chơi futsal nhiều hơn”. Cùng quan điểm, nhiều phụ huynh nhận thấy futsal có triển vọng phát triển trong môi trường học đường, đã đặt vấn đề đưa bộ môn này trở thành môn tự chọn. |