CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:39

Bộ đội dùng Google dịch giao tiếp 15 thứ tiếng với người cách ly

Từ hơn một tháng nay, thầy trò Trường Quân sự Quân khu 7 (thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nằm trên đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) căng mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Theo Thượng tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị, từ khi trường được điều động làm nơi cách ly cho người dân từ nước ngoài về, hàng trăm cán bộ, học viên tham gia công tác hậu cần.

Bộ đội dùng Google dịch giao tiếp 15 thứ tiếng với người cách ly - Ảnh 1.

Sau khi được giải thích, các công dân yên tâm, vui vẻ thực hiện tốt cách ly

Hiện có 843 người đang được cách ly tại trường, trong đó có 26 trẻ em và 2 cụ già. Đặc biệt, có 50 người nước ngoài, mang 15 quốc tịch khác nhau.

Thượng tá Sơn cho biết, tất cả những công dân này khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đều không hề biết mình sẽ bị đưa đi cách ly. Vì vậy, khi bị đưa về đây một số người tỏ ra bất hợp tác, liên tục đòi về.

Trước những phản ứng đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của nhà trường, cán bộ y tế và Trung tâm y tế quận 12 đã phải động viên, khuyên bảo để người dân hiểu và chấp hành tốt việc cách ly.

Bộ đội dùng Google dịch giao tiếp 15 thứ tiếng với người cách ly - Ảnh 2.

Tại Trường Quân sự Quân khu 7 hiện có 50 người nước ngoài đang được cách ly

Cũng theo Thượng tá Sơn, mỗi người cách ly được hưởng khẩu phần ăn là 90 ngàn/ngày, cơm và đồ ăn sáng được phục vụ đến tận tay. Đối với những cháu bé mới sinh vẫn đang bú sữa mẹ cũng được hỗ trợ sữa, tã.

Việc phục vụ những công dân Việt Nam khá đơn giản, nhưng đối với những công dân nước ngoài, do không hợp khẩu vị nên những bữa đầu tiên lực lượng hỗ trợ khá lúng túng.

Nhớ về kỷ niệm lần đầu tiếp nhận 50 công dân nước ngoài, trong đó có tới 15 quốc tịch, Thượng tá Sơn cho hay, việc giao tiếp với họ hết sức khó khăn. Những bữa cơm đầu tiên, khi bộ đội chuyển phần cơm cho họ, những người nước ngoài dãy nảy xua tay, miệng liên tục "no no" và dứt khoát không ăn.

Sau một hồi "hoa chân múa tay", mà cả đôi bên không hiểu nhau các chiến sĩ phải lên google dịch để giao tiếp với họ, từ đó hiểu rằng những người nước ngoài này không thích ăn cơm, họ yêu cầu được ăn bún, phở, thậm chí cả đồ chay.

"Trước yêu cầu này, nhằm tạo điều kiện và giữ sức khỏe cho công dân nước ngoài, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của trường phải thay đổi món theo yêu cầu của họ", Thượng tá Sơn cho hay.

Bộ đội dùng Google dịch giao tiếp 15 thứ tiếng với người cách ly - Ảnh 3.

Các cán bộ, chiến sỹ đang chuẩn bị cơm cho công dân cách ly

Sau 10 ngày tiếp nhận cách ly, hiện hơn 800 công dân đều khỏe mạnh, âm tính với Covid-19, tinh thần ai cũng phấn trấn, vui vẻ và tỏ ra biết ơn lực lượng làm nhiệm vụ tại đây.

Thượng tá Sơn kể, cá biệt, có trường hợp một công dân người Anh, sau thời gian cách ly tỏ ra khá hài lòng. Anh này bày tỏ bản thân rất yên tâm khi được chăm sóc ở Việt Nam, nhưng lo lắng cho người thân đang ở Anh trước đại dịch này, không biết có được chăm sóc như mình không.

Tạm gác việc học, tập trung hậu cần cách ly

Không phải ai cũng hiểu, để đảm bảo cuộc sống an toàn, đầy đủ cho những người khi tới cách ly, cán bộ chiến sĩ, học viên đã phải hy sinh rất nhiều.

Hiện Trường Quân sự Quân khu 7 có 2.000 học viên học tập. Để tiếp nhận công dân tới cách ly, nhà trường phải dồn ghép nơi ở của học viên.

Dù tới ngày 15/3 mới có công dân về cách ly, nhưng từ ngày 18/2, các học viên đã phải tạm gác việc học tập, rèn luyện để tập huấn cách phòng chống dịch từ việc rửa tay, mặc đồ bảo hộ như thế nào…

Và cũng hơn một tháng qua, những người tham phục vụ công dân cách ly chưa được về thăm gia đình, vợ con dù có người nhà cách trường chưa đến 1km.

Bộ đội dùng Google dịch giao tiếp 15 thứ tiếng với người cách ly - Ảnh 4.

Phòng ở của học viên được trưng dụng làm nơi ở cho người dân về từ vùng dịch

“Chống dịch như chống giặc” là câu cửa miệng của toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và các học viên của Trường Quân sự Quân khu 7.

Đợt cách ly này chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc nhưng trường sẽ tiếp nhận đợt công dân mới về cách ly, nghĩa là ngày trở về với gia đình của cán bộ, chiến sỹ của trường vẫn còn rất xa.

Theo vienamnet.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh