THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:57

Bộ đội biên phòng – “bà đỡ” thoát nghèo vùng biên giới

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP

* Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP, Thiếu tướng đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa người lính Biên phòng và đồng bào nơi biên giới?

* Với vai trò là lực chuyên trách trong quản lý , bảo vệ biên giới quốc gia, 60 năm qua lực lượng BĐBP đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với đồng bào trên mọi miền Tổ quốc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khu vực biên giới đang từng bước phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh, phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ngày càng vững mạnh. Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, “Người thầy giáo quân hàm xanh”. “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sỹ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh” đã trở nên quen thuộc được nhân dân các dân tộc tin yêu, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó vừa là sự tự hào vừa là động lực để những “Anh Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới tiếp tục nỗ lực, đồng hành với đồng bào biên giới tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong đời sống nơi biên giới.

 

* Để bảo vệ toàn vẹn, vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, không thể không dựa vào đồng bào dân tộc vùng biên giới. Lực lượng BĐBP đã có cách làm như thế nào để phát huy sức mạnh của nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, thưa Thiếu tướng?

* Ngay từ ngày thành lập, Bác đã dạy BĐBP (khi đó là lực lượng Công an vũ trang –PV): “Một vạn công an thì chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động”,  bởi vậy, muốn quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trước hết phải dựa vào nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân; phải thực sự coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt; ...Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trong những năm qua, BĐBP đã thường xuyên tăng cường cán bộ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn, làm nhiệm vụ tham mưu giúp địa phương củng cố chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội… Hiện nay, đang tăng cường 332 đồng chí, nhiều đồng chí được bầu, phân công giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền các xã biên giới. Đồng thời, giới thiệu 1.447 đảng viên các đồng biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới; phân công đảng viên các đồn biên phòng phụ trách các hộ  gia đình khu vực biên giới.., nhằm gần dân, sát dân và nắm dân. Trên cơ sở đó là hướng dẫn đồng bào dân tộc thay đổi cách làm, nếp nghĩ để vận động nhân dân phát triển kinh tế văn hóa xã hội; mở các lớp hướng dẫn cho dân, cầm tay chỉ việc, từ việc đưa cây lúa nước từ dưới xuôi lên trồng ở ruộng bậc thang, đến việc hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất; trực tiếp giúp dân, làm nương rồi từ việc nhỏ nhất là khơi thông cống, rãnh rồi vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh… Tất cả những chuyện anh em làm như vậy có thể nói là đi vào tấm lòng của người dân biên giới, để người dân biên giới gắn bó với BĐPB cùng BĐBP xây dựng và bảo vệ biên giới.

Bộ đội Biên phòng Hà Giang cùng nhân dân tuần tra biên giới


* Ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, trong những năm qua, lực lượng BĐBP đã có nhiều mô hình giúp đồng bào dân tộc biên giới thoát nghèo. Thiếu tướng có thể chia sẻ về một số mô hình cụ thể do BĐBP triển khai đã giúp đồng bào biên giới thoát nghèo?

* Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình 133, 135, phong trào xây dựng NTM… được triển khai tích cực, với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và củng cố, tăng cường khối đại kết dân tộc khu vực biên giới.

Các đơn vị BĐBP cũng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới triển khai xây dựng NTM, thực hiện xây dựng, triển khai nhiều mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới. Bằng nhiều hình thức và cách làm hiệu quả của các đơn vị, đến nay nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được nhân rộng tại nhiều địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, được cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân đánh giá cao. Tiêu biểu như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã giúp người dân hơn 300 000 lượt ngày công, sửa chữa 5.358 km đường giao thông, trồng và khai hoang  phục hóa gần 5 triệu ha rừng; phối hợp với Trung ương hội LHPN Việt Nam xây dựng gần 9000 tổ, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình phối hợp với Bộ GD&ĐT mở 300 lớp xóa mù chữ cho 10. 000 học viên... Hơn 2.800 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Bộ Tư Lệnh BĐBP hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng từ lớp 1 đến hết lớp 12 trong chương trình “Nâng bước em đến trường” từ năm 2014 đến nay. Ngoài ra BĐBP đã vận động, phối hợp cùng đồng bào thực hiện những dự án mang ý nghĩa lâu dài như  Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu, dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, tộc người Đan Lai ở Con Cuông, Nghệ An… Từ những việc làm cụ thể trên, đồng bào đã có ý thức chủ động tham gia công tác xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bằng những hành động thiết thực.

* Thực tế, trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư, nhưng nhìn nhận thẳng thắn, thực tế vẫn tồn tại những vùng đồng bào dân tộc còn nghèo, kém phát triển, theo Thiếu tướng nguyên nhân do đâu?

* Phải khẳng định chính nhờ sự quan tâm như vậy mà bộ mặt vùng biên giới dân tộc, vùng sâu, vùng xa trong những năm qua đã có bước cải thiện rất lớn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc, nhất là ở khu vực đô thị thì đời sống bà con các dân tộc vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng từ xưa đến nay thấp kém, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Thứ hai là nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào dân tộc chưa tích cực, có sự ỷ lại cũng như tính cách tự ty cố hữu trong tư duy. Thứ ba là một số nơi cấp ủy chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Hệ quả là tại nhiều vùng cái nghèo vẫn đeo bám, trình độ dân trí thấp, đặc biệt ở một số địa bàn tình trạng bà con vẫn bị tác động của kẻ xấu, tiếp tay hoặc tham gia vận chuyển hàng lậu, ma túy qua biên giới.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người dân huyện Mường Nhé phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.


* Vậy để làm sao để khắc phục những điểm hạn chế trên của đồng bào và vai trò của lực lượng BĐBP trong việc vận động nhân dân thay đổi tư duy phát huy nội lực, nỗ lực để vươn lên?

* Để vận động đồng bào dân tộc khắc phục những hạn chế trên thì BĐBP phải gần dân, nói được tiếng nói của đồng bào dân tộc, để nghe và hiểu được đồng bào dân tộc muốn gì. Tuyên truyền, giáo dục để khơi gợi truyền thống của con người, đất nước: cần cù, siêng năng. Giúp đỡ , hướng dấn thực sự để có kết quả: hướng dẫn trồng lúa nước, nuôi lợn, trồng rau để phục vụ cuộc sống... Sau khi có kết quả, tiếp tục động viên, hướng dẫn, vận động cho đi học tập lẫn nhau rồi tiếng lành đồn xa, nhà này làm được, nhà kia làm được thì người ta phát huy được lòng tự hào dân tộc, quê hương đất nước thì cuộc sống dần dần đổi thay từng bước, ấm no hạnh phúc như chúng ta mong muốn.

* Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

NGỌC ƯỚC (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh