THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:51

Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong 5 năm tới

Báo cáo vừa qua của Bộ Công thương về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 cho biết, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất giai đoạn 2011-2019 là 10,1%/năm. Trong đó, điện thương phẩm giai đoạn 2011-2019 tăng trưởng bình quân 10,5%/năm, công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống năm 2019 đạt 38.249 MW.

Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện đạt 13%/năm. Đáng chú ý, tăng trưởng lớn nhất là nguồn nhiệt điện than, bình quân 27%/ năm; theo sau là thủy điện đạt mức tăng bình quân 15%/năm. Đặc biệt, năng lượng tái tạo cũng tăng ở mức 37%/năm, tuy nhiên do công suất đặt nhỏ nên chỉ chiếm 0,2% năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể, bình quân ở mức 8%/năm. Trong đó, thủy điện có mức sụt giảm lớn nhất, bình quân 5%/năm, nhiệt điện than bình quân 10%/năm.

Giải thích về điều này, Bộ Công thương cho biết trong giai đoạn trước, thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế. Đồng thời, nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng.

Hiện nay, năng lượng tái tạo có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành. Trong giai đoạn 2016-2019, tổng công suất của điện năng lượng tái tạo đã chiếm trên 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện.

Theo Quy hoạch điện VII điều chính, tổng công suất các nguồn điện cần đưa vào vận hành trong 15 năm 2016-2030 cần là 96.500 MW (bình quân 6.430 MW/năm) để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Tuy vậy, hiện nay các dự án nguồn điện thường bị chậm so với quy hoạch, đặc biệt là các dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng điện trong tương lai. Bộ Công thương chỉ ra rằng những hạn chế này là nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng trong giai đoạn 2021-2025.

Tại đây, Bộ Công thương đã tham mưu trình Chính phủ 5 giải pháp:

Đầu tiên là bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG.

Bên cạnh đó, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc.

Thứ 4, bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện.

Cuối cùng, Bộ Công thương đưa ra các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công thương nhấn mạnh: "Khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025".

Theo Bộ Công thương, nhu cầu phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia trong năm 2020 dự kiến đạt 255,6 tỷ kWh, tăng 6,5% so với năm 2019, thấp hơn khoảng 4 tỷ kWh so với mức dự báo đưa ra trước đó, phần lớn là do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Vừa qua, Viện Năng lượng đã tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, theo đó, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Điện thương phẩm ước tính sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Bộ Công thương nhận định: "Mặc dù vậy, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025".

Do vậy, Bộ Công thương kết luận, cần nghiên cứu giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có, tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021.

Q.L

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh