CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:06

Bỏ công chức, viên chức giáo viên: Cần có lộ trình

 

Chưa hợp thời điểm

GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng, không thể tài trợ cho giáo viên ở mức cao nếu như thành tựu của giáo viên đó không xứng đáng và nếu mỗi giáo viên cứ yên tâm ở trong biên chế suốt đời thì họ không có sự cố gắng phấn đấu, trau dồi nghiệp vụ. Tuy nhiên, hiện nay việc không còn công chức giáo viên đang bị nhiều ý kiến phản đối vì người giáo viên chưa được hưởng sự đãi ngộ tương xứng. Trong khi lương của giáo viên lại rất thấp kém, như lương khởi điểm của giáo viên cấp 2 chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, giáo viên cấp 3 là hơn 3 triệu đồng/tháng. Các giáo viên có thâm niên cao cũng không giáo viên nào đủ sống mà công việc lại rất nặng nề.

 

GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Muốn nâng cao và thực hiện việc đổi mới chất lượng giáo dục thì trước hết phải đổi mới đội ngũ giáo viên. 


Người giáo viên không đơn giản chỉ đứng lớp mà còn phải theo dõi học sinh học, còn đối phó với phụ huynh học sinh và trăm việc xã hội khác. Phụ huynh ai cũng muốn con mình phải giỏi, phải ngoan, tất cả những việc đó đều đổ lên đầu giáo viên. Nên trong khi đãi ngộ như vậy, ngay bản thân người giáo viên lại không yên tâm, không biết năm tới có được dạy nữa hay không? Do vậy, việc không còn công chức, viên chức trong giáo viên ở thời điểm này chắc là chưa hợp lý.

Liên quan đến việc bỏ biên chế giáo dục thì hiệu trưởng sẽ là ông chủ, còn giáo viên là người làm công và hiệu trưởng có lạm quyền trong việc ký và chấm dứt hợp đồng với giáo viên hay không?

Theo GS Nguyễn Lân Dũng sẽ có hai sự quản lý, đó là quản lý bằng dân chủ và bằng công nghệ cao. “Hiệu trưởng của mỗi trường cũng phải tuyển, chứ không phải do trên cử xuống và để có hiệu trưởng xứng đáng thì phải định kỳ bỏ phiếu kín lấy tín nhiệm, không để xảy ra tình trạng bị trù dập vì bỏ phiếu. Hơn nữa, hiệu trưởng không phải là chức vụ vĩnh viễn, mà từng trường sẽ bỏ phiếu định kỳ với sự giám sát của Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục. Từ đó mới có sự dân chủ trong nhà trường và hiệu trưởng phải gắn bó với tập thể, nếu không được tập  thể tín nhiệm thì cũng không được làm”, GS Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến.

GS Nguyễn Lân Dũng nhận định: Chúng ta đang đứng trước thời cơ của cuộc cách mạng khoa học 4.0, tất cả sẽ công khai trong phần mềm giảng dạy và phần mềm quản lý. Do vậy, công nghệ số hóa sẽ giúp cho mọi người đều biết được chất lượng công việc của từng người, không có chuyện nào mập mờ được đâu.

 

Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng. 

 

Tương lai quản lý giáo dục không phải bằng tình cảm, mà sẽ bằng công nghệ cao. Giáo viên không sợ chuyện bị hiệu trưởng trù dập, hiệu trưởng và tập thể nhà trường cũng dễ dàng thấy rõ giáo viên nào là người không hoàn thành nhiệm vụ. Phụ huynh cũng có thể thường xuyên biết rõ tình hình học tập của con em mình cũng như chất lượng giảng dạy của từng giáo viên, năng lực tổ chức và quản lý của hiệu trưởng.

Giải pháp giáo dục CAMEMIS đã được các chuyên gia ở CHLB Đức đệ trình lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã cảnh báo: " Đừng nghĩ chuyện đó sẽ còn lâu mới tới. Trước đây có ai nghĩ chỉ một sớm, một chiều mà Uber, Grab đã có thể làm khuynh đảo taxi truyền thống, xe ôm truyền thống. Có lẽ đấy là ví dụ đơn giản nhất của Công nghệ 4.0 bước vào đời sống".

 Bỏ biên chế giáo dục: 3 khó, 3 thuận

TS Nguyễn Tùng Lâm: Bỏ biên chế giáo dục: 3 khó, 3 thuận.


Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Nếu bỏ biên chế giáo dục sẽ có 3 khó khăn và 3 thuận lợi. Cái khó thứ nhất của giáo viên ở đây là làm sao để thay đổi, đưa các cơ chế quản lý và phát minh mới vào, chứ nghề tuyển giáo viên không thể như cũ được; thứ hai, làm sao để lôi kéo được đông đảo giáo viên đều tham gia chứ không coi là việc riêng của Bộ GD&ĐT làm. Thứ ba, sẽ làm dần dần có lộ trình, chứ không cấp tập thực hiện ngay được. Bên cạnh những khó khăn thì cũng có những thuận lợi: Thứ nhất, có một đội ngũ nhà giáo thật sự tâm huyết, tài năng; thứ hai, chắc chắn các nhà giáo được sống bằng chính nghề của mình; thứ ba, thay đổi được ngành giáo dục bằng chính đội ngũ nhà giáo, nhà giáo được xã hội tôn vinh và chọn được người tài, có như vậy giáo dục nước nhà mới trở thành cốt sách.

 “Việc bỏ biên chế giáo dục đây là một chủ trương mới và hay. Lâu nay ngành giáo dục chưa vận dụng được nhiều mặt tích cực của cơ chế thị trường nhưng lại bị mặt trái của kinh tế thị trường làm méo mó. Trong kinh tế thị trường, sức lao động cũng cần phải được đối xử sòng phẳng mới mong có người tài. Nhiều ngành của chúng ta không tuyển được người tài mà khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hút hết. Tại sao chúng ta không vận dụng tích cực của cơ chế thị trường để xây dựng lại đội ngũ nhà giáo cho có hiệu quả. Thứ hai, chất lượng của giáo dục có nhiều yếu tố tác động. Trong đó, tác động lớn nhất là đội ngũ nhà giáo. Thứ ba chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chỉ là trên nghị quyết, còn thực tế, nhiều năm nay không có sinh viên giỏi vào học ngành Sư phạm. Vì đội ngũ không được chọn lọc, không được đãi ngộ một cách thỏa đáng. Do đó, tôi ủng hộ đổi mới không tuyển giáo viên vào biên chế”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền cùng các học trò của mình trong buổi tổng kết năm học 2016 - 2017.


Trước việc bỏ biên chế giáo dục đối với những giáo viên ở huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó khả thi trong khi giáo viên ở những khu vực này đang thiếu và yếu. TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Khi đã đổi mới dù khó khăn vẫn phải đổi mới, nhưng lộ trình và cách tuyển chọn phải khác nhau. Chẳng hạn như giáo viên thành phố thời gian đào tạo 2 năm thì giáo viên miền núi sẽ là 4 năm và cần phải có lộ trình.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình”.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh