Bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên: Hiệu trưởng muốn giữ, giáo viên muốn làm
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:21 - 23/05/2017
Ngày 12/5 tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định với cán bộ quản lý sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và cán bộ quản lý ngành giáo dục TP. Quy Nhơn trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, Bộ sẽ triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người tỏ ra lo ngại trước thông tin này vì cho rằng ai sẽ là người giám sát các hợp đồng "ra – vào" của giáo viên để không có tiêu cực xay ra. Việc kí hợp đồng “ vào – ra” này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng của việc dạy học hay không khi mà tâm lý công chức, viên chức đã ăn sâu vào tiềm thức.
Một giáo viên trường Tiểu học La Khê, Hà Đông (Hà Nội) rất ủng hộ việc thay đổi này: ngành giáo dục đã có quá nhiều thông tư nhưng chưa áp dụng được vào thực tế. Do vậy, nếu muốn ngành giáo dục phát triển thì phải cần có sự thay đổi thực tế để tạo cú hích cho ngành giáo dục phát triển. Nếu giáo viên nào không có năng lực thì sẽ phải tự đào thải mình để tạo ra sự cạnh tranh công bằng, không phải giáo viên “dốt” vẫn cứ được đứng lớp “đến tháng lấy lương”. Nhưng trong quá trình thực hiện cũng phải giám sát chặt chẽ không để “quyền lực” sẽ tập trung vào tay hiệu trưởng.
Còn theo hiệu trưởng trường Tiểu học Phương Canh, quận Nam Từ liêm (Hà Nội) lại muốn giữ lại viên chức lý do được bà này đưa ra là nếu thi tuyển đỗ viên chức thì giáo viên sẽ yên tâm công tác tập trung vào việc giảng dạy hơn việc được kí hợp đồng. Vì tâm lý khi làm việc hợp đồng thì không chắc chắn lâu dài nên không có sự gắn bó nên sợ rằng giáo viên sẽ không “toàn tâm, toàn ý” cho việc giảng dạy.