CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:30

Bộ Công an thông báo danh sách các "sếp lớn" bị bắt tại Ngân hàng Đông Á

 

Theo đó, để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với:

Ông Trần Phương Bình, sinh năm 1959; Chức vụ: nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, sinh năm: 1970; Chức vụ: nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á.

 

danh sách các sếp lớn bị bắt tại Ngân hàng Đông Áông Trần Phương Bình

 

Hai bị can này bị điều tra với 2 tội danh là: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân khác để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm:

Ông Nguyễn Đức Vinh, sinh năm 1966; Chức vụ: nguyên Giám đốc Ngân quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á.

Ông Đỗ Thanh Hùng, sinh năm 1978; Chức vụ: nguyên Thủ quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á.

Ông Lê Kiên Giang, sinh năm 1977; Chức vụ: nguyên Phụ quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á.

Liên quan đến vụ việc, ngày 11/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã thông tin: Tháng 8/2015, NHNN đã công bố Kết luận thanh tra Ngân hàng TMCP Đông Á theo quy định của pháp luật và Quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này do Ngân hàng TMCP Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đông Á.

 

Đến nay, các chỉ tiêu tài chính của Ngân hàng TMCP Đông Á đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan

 

NHNN cũng đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên HĐQT và chức danh Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á.

Đồng thời, NHNN đã cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực quản trị tiếp quản và nắm các vị trí chủ chốt vào quản trị, điều hành Ngân hàng TMCP Đông Á để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của Ngân hàng TMCP Đông Á.

Đến nay, các chỉ tiêu tài chính của Ngân hàng TMCP Đông Á đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan, khách hàng tiếp tục tín nhiệm trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng TMCP Đông Á.

NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động của Ngân hàng TMCP Đông Á được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ cơ cấu lại toàn diện Ngân hàng TMCP Đông Á để đưa ngân hàng này hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

 

Điều 165, Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm  đến năm  năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c)  Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ  một  năm đến năm năm.

Điều 179. Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;

1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;

b) Cho vay quá giới hạn quy định;

c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.

Lưu ý: Các điều luật dẫn trên chỉ mang tính chất để bạn đọc tham khảo

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh