CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:20

Bộ Công an sẽ nghiên cứu đề xuất 'tù tại gia'

 

Sáng 13/11, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm cho biết Bộ sẽ tiếp nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội về hình thức "tù tại gia" để nghiên cứu. "Đây là nội dung mới, chúng tôi sẽ xem xét", ông nói.
Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trong chiều qua, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đề xuất này.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Trung tâm thông tin QH

Bên hành lang Quốc hội sáng nay, nói rõ hơn đề xuất "tù tại gia", Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, hình thức này chỉ nên áp dụng với những tội phạm không nghiêm trọng, như tội như cố ý gây thương tích hoặc vi phạm trong đối xử với bố mẹ, anh em...
"Còn với những tội nghiêm trọng về ma tuý, tham nhũng, giết người, tội phạm an ninh quốc gia thì phải đưa vào tù tập trung, cách ly khỏi xã hội. Nói chung tuỳ loại đối tượng mới áp dụng, sau này các cơ quan bảo vệ pháp luật cần quy định cụ thể trong luật", ông nêu quan điểm.
Theo Tổng kiểm toán, "tù tại gia" không chỉ giúp giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách quốc gia chi cho các tù nhân mà còn có tác dụng về giáo dục, khiến người vi phạm phải xấu hổ với cộng đồng, làng xóm và gia đình.
"Hình ảnh tù tại gia cũng khiến những người liên quan có trách nhiệm hơn trong giáo dục con cái", ông nhấn mạnh.
Có thể giam giữ trong nhà sắt
Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, để quản lý những phạm nhân được phép ở tù tại gia, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu nhà sắt giam giữ. Buồng giam này được cán bộ đưa đến nhà phạm nhân, chìa khoá giám thị cầm, gia đình chỉ chăm sóc, đến bữa cho ăn. Giám thị sẽ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để phạm nhân trốn thì gia đình cùng chịu trách nhiệm. 

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: Võ Hải

Ngoài ra, theo Tổng kiểm toán nhà nước, cơ quan chức năng có thể gắn chíp vào người phạm nhân để theo dõi, "họ chỉ được đi loanh quanh trong một khu vực nhất định".
Về lo ngại cán bộ, công chức phạm tội sẽ "chạy" để được ở tù tại gia, ông Phớc nhấn mạnh tội phạm tham nhũng, kinh tế thì không được áp dụng "tù tại gia". "Quan trọng là chúng ta quy định loại tội nào, mức án nào thì được hưởng tù tại gia", ông nói.
Theo ông, tù tại gia khác với án treo ở chỗ phạm vi quản thúc hẹp hơn, thậm chí chỉ trong nhà của phạm nhân.
Sáng 19/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh