THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:03

Bộ Chính trị ban hành quy định về xin lỗi đảng viên bị kỷ luật oan

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Quy định 117 gồm 4 Chương, 15 Điều, quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Về phạm vi điều chỉnh: Quy định số 117-QĐ/TW quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Về đối tượng áp dụng: Tổ chức đảng bị kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập về tổ chức); đảng viên bị kỷ luật oan (bao gồm cả đảng viên không còn sinh hoạt đảng, đã qua đời, mất năng lực hành vi dân sự, toà án tuyên bố mất tích); tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng giải quyết khiếu nại kỷ luật); tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra có thẩm quyền giải quyết đối với quyết định của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan); các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về căn cứ để xin lỗi và phục hồi quyền lợi, theo quy định của Bộ Chính trị, có 2 căn cứ để xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Thứ nhất là kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Thứ hai là kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.

Về thời hạn, trong thời hạn 90 ngày, tính từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành kết luận hoặc quyết định xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thì tổ chức đảng đã kỷ luật oan, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Quy định cũng nêu rõ là trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh…) thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Về thủ tục, ngay sau khi ban hành kết luận, quyết định xác định việc kỷ luật oan thì tổ chức đảng phải gửi văn bản đến tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận, quyết định của cấp có thẩm quyền thì tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan gửi văn bản đề nghị xin lỗi, phục hồi quyền lợi đến tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận, quyết định về việc đã kỷ luật oan thì tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan có trách nhiệm: (1) Thông báo bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan (hoặc thân nhân đảng viên) về việc tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi. (2) Thu hồi, bãi bỏ quyết định kỷ luật oan; đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức nơi đảng viên đang công tác, sinh hoạt để thu hồi, xoá bỏ quyết định kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể đối với đảng viên (nếu có). (3) Phục hồi quyền lợi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên theo quy định.

Về hình thức xin lỗi, Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ 2 hình thức xin lỗi. Thứ nhất là tổ chức hội nghị công khai xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Thứ hai là công bố công khai việc xin lỗi (báo chí, trang thông tin điện tử…).

Những quyền lợi được phục hồi: Quy định nêu rõ, đối với tổ chức đảng bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo xem xét lại việc đánh giá phân loại hằng năm và nhiệm kỳ; xem xét việc xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng định kỳ, đột xuất (nếu có).

Với tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc thành lập lại, chỉ định nhân sự cấp ủy lâm thời, chỉ đạo việc tổ chức đại hội cấp ủy theo quy định (nếu có đủ điều kiện). Với tổ chức đảng đã kết thúc hoạt động, giải thể, chuyển giao, chia tách, sáp nhập thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét, đánh giá phân loại hằng năm và nhiệm kỳ; xem xét lại xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng định kỳ, đột xuất (nếu có) và thông báo cho tổ chức đảng kế thừa, tiếp nhận tổ chức đảng đó. Với đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì được phục hồi lại các quyền lợi đã bị ảnh hưởng theo quy định (nhận xét, đánh giá, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng…).

Đảng viên bị kỷ luật cách chức hoặc cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm (nếu có)... thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, địa phương, đơn vị để xem xét phục hồi chức vụ hoặc bố trí vào vị trí công tác, chức vụ tương đương.

Với đảng viên bị kỷ luật khai trừ hoặc đã ra khỏi Đảng thì tổ chức đảng có thẩm quyền phục hồi đảng tịch, phục hồi quyền đảng viên hoặc công nhận là đảng viên (nếu cá nhân có đơn). Tuổi đảng được tính liên tục trong cả thời gian bị kỷ luật oan (trường hợp bị kỷ luật khai trừ).

Cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế để bố trí vị trí công tác phù hợp, nếu không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí công tác thì được nghỉ công tác và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định…

Về các trường hợp không được xin lỗi và phục hồi quyền lợi, theo quy định, đảng viên bị kỷ luật oan không được xin lỗi và phục hồi quyền lợi trong các trường hợp: Sau khi bị kỷ luật oan đã không giữ được tư cách, phẩm chất, tiêu chuẩn đảng viên hoặc vi phạm bị kỷ luật. Nhận lỗi thay cho người khác dẫn đến bị kỷ luật oan. Từ chối việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Tự ý bỏ sinh hoạt Đảng. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và trách nhiệm của đảng viên theo quy định tại quy định này.

Quy định có hiệu lực kể từ ngày 18/8/2023.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh