Bloomberg: Một loạt nhà máy sản xuất ở các ổ dịch lớn nhất châu Âu rục rịch mở cửa trở lại
- Bác sĩ
- 23:11 - 27/04/2020
Hiện tại, các nhà máy đang dần mở cửa trở lại sau khi các quốc gia từ Đan Mạch đến Đức bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh sẽ không trở lại bình thường ngay lập tức. Các công ty châu Âu sẽ phải thực hiện các biện pháp giãn cách và giữ vệ sinh để đảm bảo an toàn cho người lao động, khi lục địa này ghi nhận hơn 110.000 ca tử vong do Covid-19.
Tái khởi động là một việc cực kỳ quan trọng để vực dậy nền kinh tế châu Âu, thoát khỏi tình trạng khó khăn khi các chính phủ buộc phải chi hàng tỷ euro để hỗ trợ các công ty duy trì hoạt động. Theo viện nghiên cứu Ifo, ngay cả Đức, quốc gia có khả năng vượt qua cơn khủng hoảng tốt nhất, cũng chứng kiến tâm lý kinh doanh lao dốc, hoạt động kinh doanh cũng giảm xuống mức thấp nhất kỷ lục trong tháng 4.
Michael Groemling - nhà phân tích tại Economic Institute, nhận định, trong khi yêu cầu đóng cửa nhà máy là việc khá dễ dàng, thì việc tăng tốc trở lại sẽ phức tạp hơn nhiều bởi ngay cả những "lỗ hổng" nhỏ trong chuỗi cung ứng cũng có thể gây ra sự gián đoạn lớn. Ông cho hay: "Vấn đề phức tạp hơn nữa là không thể chắc rằng nhu cầu tại các thị trường trọng điểm ở châu Âu và Mỹ sẽ diễn biến như thế nào trong những tháng tới."
Ví dụ, PSA Group không khẳng định rằng khi nào họ sẽ mở cửa lại các nhà máy ở châu Âu. Nhà sản xuất ô tô của Peugeot, Citroen và Opel cho biết việc bổ sung hàng tồn kho không có tác dụng khi không thể bán sản phẩm. CFO của PSA - Philippe de Rovira, cho biết: "Điều quan trọng là phải có đại lý và hoạt động bán hàng trước khi chúng tôi sản xuất trở lại."
Ngành sản xuất ô tô ở châu Âu, tạo khoảng 14 triệu việc làm trong khu vực, đang rất vội vã khởi động trở lại, dù vẫn không rõ khách hàng có đến phòng trừng bay sau khi lệnh phong toả được gỡ bỏ hay không.
Fiat Chrysler – nhà sản xuất ô tô của Mỹ-Italy, sẽ tái khởi động tại nhà máy sản xuất xe van nhỏ Sevel tại miền nam Italy và tiếp tục hoạt động ở 1 số nhà máy khác trên toàn quốc vào ngày 27/4. Ferrari cũng có kế hoạch mở cửa lại các nhà máy ở Meranello và Modena tại miền bắc Italy vào ngày 4/5.
Volkswagen – nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã tiếp tục sản xuất dòng xe điện mới ID.3 tại nhà máy ở Zwickau, Đức, hôm thứ Năm tuần trước. Công ty này cho biến họ dự kiến sẽ bắt đầu giao xe tại châu Âu vào mùa hè năm nay theo kế hoạch. Renault cũng bắt đầu gia tăng công suất tại Pháp vào tuần trước, bắt đầu với 3 nhà máy sản xuất phụ tùng và động cơ với ¼ nhân sự. Ngoài ra, các nhà máy ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Morocco và Nga cũng mở cửa trở lại.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều tăng tốc sản xuất tại tất cả các nhà máy và dự kiến dây chuyền lắp ráp sẽ hoạt động với tốc độ chậm hơn, cho đến khi nhu cầu hồi phục trở lại mức trước khủng hoảng.
Những công ty xây dựng lớn nhất nước Anh cũng có kế hoạch tiếp tục hoạt động vào tuần này, sau thời gian dài phong toả. Persimmon dự định khởi động lại theo từng giai đoạn bắt đầu từ ngày 27/4, Taylor Wimpey sẽ quay trở lại vào tháng 5 sau khi hoàn thành hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội trong quá trình làm việc cho nhân viên. Các công ty vật liệu xây dựng, gồm CRHvà Marshall, đều sa thải một số nhân viên nhưng sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng và tăng tốc để đáp ứng nhu cầu.
Tại Tây Ban Nha – một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn nhất đều tiếp tục khai thác các công trình sau hơn 2 tuần phong toả.
Trước khủng hoảng Covid-19, các nhà sản xuất máy bay đã ở trong một cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, giờ đây họ phải đối mặt với nhu cầu sử dụng máy bay sụt giảm mạnh, với hơn 60% hãng hàng không trên toàn thế giới hoãn hoặc huỷ đơn đặt hàng.
Airbus đầu tháng này đã hạ mục tiêu sản lượng cho cả năm và cảnh báo có thể sẽ sa thải nhân viên. Do đó, công ty này đã điều chỉnh hoặc tạm ngừng sản xuất tại các địa điểm ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức vào tháng 3 và 4, nhằm ứng phó với tình trạng nhuc ầu sụt giảm và thực hiện các biện pháp an toàn. Airbus đã nối lại hoạt động sản xuất ở châu Âu, nhưng buộc phải cắt giảm công suất.