THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:45

Bịt lỗ hổng trong thẩm định giá, ngăn ngừa việc "thổi giá"

Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất: Bỏ 3 Điều; bổ sung 5 Điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 4 nội dung của các luật có liên quan; bổ sung Phụ lục số 1 quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Về bình ổn giá, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành, theo đó cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá trong luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa bình ổn giá.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong luật cũng nhằm khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành và dự thảo luật cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cho giữ như quy định của luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM)

Đáng chú ý, liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo tán thành sự cần thiết phải duy trì quỹ này trong điều kiện hiện nay vì Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Một nguyên nhân khác là thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở… Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành và sử dụng quỹ.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quy định về Quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng cần làm rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập, đại biểu phân tích, đây là quỹ ngoài ngân sách do doanh nghiệp trích lập, sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương, được quản lý bởi doanh nghiệp, do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng. Đại biểu đề nghị xem xét kỹ nội dung này, Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và xây dựng kho dự trữ xăng dầu.

Cần có quy định về giá dịch vụ y tế

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, thổi giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế. Đại biểu cho rằng, tình trạng trên xảy ra do có lỗ hổng trong quy định pháp luật ở Luật Giá hiện hành.

Trước thực trạng này, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi các điều khoản này để khắc phục những bất cập hiện hành, cụ thể ở Điều 47, Điều 53. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa về nghĩa vụ, trách nhiệm của thẩm định viên. Cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 quy định: Thẩm định viên về giá có nghĩa vụ giải trình hoặc bảo vệ báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu. Thẩm định viên giải trình báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Về quy định này, đại biểu cho rằng để bảo vệ cán bộ, tránh trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm, cần quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá chứ không phải chỉ có báo cáo khi yêu cầu. Việc này để đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), những quy định về giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt hoặc gần như không tìm thấy. Trong khi đó, vấn đề liên quan đến giá cực kỳ phức tạp, là thành tố quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực. 

Đại biểu nhấn mạnh trong công tác đấu thầu, giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi.

Vị đại biểu Đoàn TP. Hà Nội cho rằng, giá dịch vụ y tế lại quá phức tạp bởi có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại như: Giá có tự chủ, giá không tự chủ, giá có xã hội hóa, giá không xã hội hóa. Ngoài ra, giá dịch vụ thầy thuốc là bác sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cũng khác nhau; giá dịch vụ thầy thuốc trong nước với nước ngoài cũng khác nhau. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa cũng khác với khám, chữa bệnh trực tiếp…

"Giá là thành tố rất quan trọng để quyết định việc tự chủ bệnh viện công nhằm hạn chế việc tư nhân hóa bệnh viện công. Khi một bệnh viện tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện thì có 2 điều phải hết sức quan tâm, đó là giá giường phục vụ bệnh nhân được BHYT chi trả khác với giá giường dịch vụ; có bao nhiêu giường được phép chuyển sang dịch vụ", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nói.

Từ các ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần có một số điều đề cập đến giá dịch vụ y tế để làm cơ sở xây dựng các thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế…

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh