THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:38

Bình yên trong thế giới quả cây

 Tết Nguyên đán cổ truyền đến gần, mọi nhà đều chuẩn bị thực phẩm, đồ uống, mứt bánh kẹo, và không thể thiếu hoa, trái cây. Hoa, trái cần trong đời sống hàng ngày, và đến Tết - một yếu tố quan trọng của nghi lễ.

Thiếu đào, mai hay mâm ngũ quả, đâu ra không khí Tết.

Tết được nghỉ ngơi, ăn uống, đi chơi, gặp nhau, và từ việc "xả láng" mà trong và sau những ngày Tết: sinh chuyện say xỉn hay tăng cân. Con người ngày càng phải sống cùng những nỗi lo.

Một "cửa khẩu" quan yếu là ăn uống, nhu cầu - sinh thú của con người. Ăn uống có thể gây nên hoặc phòng tránh được bệnh tật.

Khi thói quen lạm dụng thuốc tây và chủ quan về sức khoẻ kéo dài, đột ngột, nhiều người bỗng quay ra lo cho mình cho người thân, nhắc nhở nhau nhiều thứ đề phòng, cẩn thận.

Có cách hiệu nghiệm để sống an toàn hơn, yên ả hơn, là mỗi người chúng ta hãy yêu quý thiên nhiên, tận dụng và phát huy công năng của các loại cây trái. Chúng là kháng sinh thực vật, thuốc bổ dài kỳ.

Hãy gợi lại ký ức của chính mình về thời ấu, khi mẹ, bà dùng những vị thuốc dân gian chữa cho ta, từ cây quả đời thường. Thuốc nam và công dụng của nhiều loại cây, rau, quả, đã được đăng tải trên các báo chuyên đề của ngành y tế, nhất là Thuốc và sức khoẻ.Bình yên trong thế giới quả cây

 

Báo Sức khỏe và đời sống, Phụ nữ, hay đăng các bài thuốc, bí quyết chế biến, sử dụng cây, hoa, tốt cho nhan sắc và cơ thể.

Đời sống công nghiệp làm người ta "nhanh" mọi thứ. Dầu gội đầu, sữa tắm sẵn, mấy ai đun bồ kết vỏ bưởi, hương nhu. Bồ kết được làm thành bột dạng túi lọc.

Mấy mùa Đông, tôi vẫn nhắc mẹ tìm mua bồ kết quả, vỏ bưởi phơi dây sẵn, tôi gội đầu để nhớ bà nội tôi. Quả bưởi thật lắm tác dụng, cùi bưởi vẫn được dùng để nấu chè. Lá bưởi đun lá xông. Vỏ bưởi  để tủ lạnh khử mùi hôi, vỏ quýt rán chả rươi với trứng.

Dân gian thật tinh tường khi kết hợp  giã rau gia vị vào thực phẩm, vừa tăng hương vị món ăn, vừa có tác dụng bổ trợ điều hoà chất: Rau răm ăn với trứng vịt lộn, nấu canh hến, canh cá không thể thiếu rau thì là. Bị cảm, ăn cháo hành hoặc cháo nấu trứng tía tô, công hiệu ngay.

Trong các loại rau gia vị, tía tô nhiều công dụng nhất. Nó dễ trồng, lại ích lợi. Ở Pháp, bà con Việt kiều trồng tía tô to ở  góc vườn, nó lớn nhanh, lá to, song không thơm bằng "bên nhà".

 Hương vị của tía tô là sự pha trộn của cam thảo quế, bạc hà có tác dụng sát khuẩn. Y học  cổ truyền xếp tía tô vào loại  giải biểu, thuộc nhóm phân tán, phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho mồ hôi,  giải cảm, khỏi sốt.

Ông họ tôi, GS, Thầy thuốc nhân dân Bành Khìu, từng du học Bắc Kinh - nguyên giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội. Ông là bác sĩ Đông y, tâm hồn yêu nghệ thuật, tư chất nghệ sĩ. Bởi sinh ra, lớn lên ở thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nơi hội tụ sản vật núi rừng tinh tuý, độc đáo như hạt dẻ, chè đắng duy nhất Việt Nam, nên ông rất coi trọng và phát huy những vị thuốc tự nhiên.

Ông và vợ - bà Vương Liên - người phụ nữ đẹp nhất tỉnh, mấy chục năm qua đều cho thu mua thuốc từ cây trái quê nhà.

GS Bành Khìu có mấy phòng khám tư riêng, và bằng đức độ uy tín lan rộng, ông là "kênh" quảng bá cho bệnh nhân, họ hàng, thân hữu chú ý thuốc từ rau gia vị, quả thông dụng.

Tía tô được GS nhấn mạnh nhiều tác dụng: Lá có thể chữa cảm lạnh, dù khô hay tươi. Cùng vỏ quýt, gừng tươi, lá tía tô đun sôi uống sẽ chữa cảm lạnh. Hoặc nấu cháo cùng hành, gừng chữa ho. Tía tô cùng hương nhu, lá sả, lá tre v.v.. nấu nước xông cảm.

Vò lá tía tô tươi rửa mặt hoặc tắm, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, bã lá đắp vùng da bị ngứa. Giã lá uống tươi chữa ngộ độc cua tôm (nôn, sưng phù, nổi ngứa). Cao lá tía tô cùng đậu đỏ rang vàng tán nhỏ viên lại, hạn chế chảy máu do ho, nôn, tiêu chảy.

Sen, tranh xé giấy của HS Hoàng Thị Phương Liên.Sen, tranh xé giấy của HS Hoàng Thị Phương Liên.


 Uống nước lá tía tô pha muối khỏi đau bụng. Tía tô để già lấy hạt cùng vỏ quýt, cam thảo, gừng tươi, sắc nước uống, chữa cảm sốt, ngạt mũi, nhức đầu. Như tên gọi, lá tía tô mặt trước xanh, mặt sau tím, là rau  thơm ưu việt nhất. Có sắc tím, lại có sắc vàng, nâu là củ khoai lang. Phụ nữ đắp mặt nạ collagen mà ít hiểu  về nó.

Collagen là thành phần chính trong tế bào xương, răng, mạch máu, nhất là da, chiếm 25% tổng protein cơ thể. Nó như "keo dán" giúp cơ thể ta liền thành khối, chức năng đàn hồi cao. Con người sẽ mất 30% tổng lượng collagen khi chạm tuổi 40.

Uống thuốc bổ sung hay đắp mặt nạ - hiệu quả không cao vì cấu trúc phân tử của collagen lớn, không dễ ngấm qua da. Sẽ bổ sung collagen nếu ăn đều khoai lang và cam; thực phẩm giàu vitamin E: dưa hấu, dâu tây; giàu vitamin B3 củ dền, hạt hướng dương, cua, ốc, mực, ngao, sò biển, kể cả hạt hướng dương và nấm.

Nấm có nhiều tác dụng. Hiếm và đắt như linh chi, đông trùng hạ thảo tốt đã đành; thường gặp như nấm mèo, nấm đông cô giải độc gan, thận, ruột. Nấm ức chế tác hại siêu vi gây ung thu cân bằng đường huyết cho người tiểu đường, cải thiện tiêu hoá nhờ chất xơ, lại có chất béo.

Bệnh tiểu đường phổ biến, dâu tây, dứa (thơm) vẫn không bị đắt, thật may! Dứa nấu canh chua, ăn sống, làm mứt, nước ép. Các loại trái cây màu đỏ giàu vitamine A.

Quả gấc đồ xôi, chiết xuất làm dầu gấc được ưa chuộng. Bí xanh làm mứt, bí đỏ xào hay ninh sườn giảm đau đầu. Tôi rất thích ăn đu đủ, tốt cho mắt và da. Công nghệ sinh học cho chúng ta ăn trái cây trái mùa.

Tuy nhiên, sự tiến bộ lại có một số biến thái từ ác tâm của một bộ phận kinh doanh hám lợi bất lương.

Chẳng lẽ sống trong sợ hãi, hoài nghi, lo sợ, khi cây trái toàn bị phun thuốc lớn nhanh, ép chín? Đồ Trung Quốc nhập khẩu nhiều, họ mua của ta đặc sản và thứ ngon nhất và đẩy sang Việt Nam những thứ hàng kém phẩm chất hoặc nguy hại sức khoẻ.

Gia đình tôi chỉ tín nhiệm dùng nông sản, trái cây Việt Nam hoặc nếu không thì hẳn của châu Âu. Tỏi, hành Việt Nam nhỏ, thơm hơn tỏi, hành Trung Quốc. Tỏi được làm thành viên tỏi có tác dụng tăng sức đề kháng, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ho, cảm cúm, giảm xơ vữa động  mạch, cao huyết áp, chướng bụng đầy hơi ăn khó tiêu, giảm cholesterol.

Quả chanh vắt lấy nước giải khát, cả quả làm chanh muối hay ngâm như quất, mơ đều công hiệu chữa ho, đau bụng. Vội thì ngậm mấy lát chanh tươi với muối.

Lá ngải cứu để xông, tráng trứng ăn rất tốt, vị đắng đánh giá không nên khử bớt như một số người làm với mướp đắng, tên loài quả đã nêu rõ. Mướp đắng (khổ qua) nhồi thịt, nấu canh rất mát, xay ra tắm cho trẻ con (cùng lá chè tươi) mát da, hết rôm sảy.

Mướp đắng cùng với các loại rau, sữa chua, trái cây thuộc họ citrus, ngũ cốc nguyên hạt, củ cải, cà rốt, atisso, olive đều tốt cho gan. Ăn nhiều rau xanh tốt cho mọi người.

Dân dã mà mát là rau má mọc ven ruộng, tiếc là người miền Bắc ít ăn. Ở Sài Gòn, rau má được xay lấy nước bán dọc đường phố, hoặc ăn như rau sống.

Về cây mọc dại, tôi lại nhớ cây cứt lợn hồi bé, lũ trẻ chúng tôi hái hoa cứt lợn chơi đồ hàng, chơi "cô dâu chú rể". Nếu bây giờ tôi được trở lại cô bé, đâu còn hoa cứt lợn, râm bụt, dành dành?!

Chúng không còn đất sống nữa rồi. Những cái tên dân dã: Hoa mõm chó, quả óc chó (chữa huyết áp cao, cải thiện tim mạch, nhuận tràng, ngăn ngừa sỏi mật...), cây chó đẻ... đều là vị thuốc.

Bình dị như hoa thiên lý vừa làm đẹp cho đời bằng giàn hoa xanh mát, lại có thể xào, nấu canh, như hoa bí vàng, bông điên điển. Hoa sen được chọn là Quốc hoa thật xứng đáng.

Trước khi được họp chọn, trưng cầu ý kiến, lịch sử đã chọn hoa sen. Hình ảnh sen, hoạ tiết sen được dùng nhiều trong kiến trúc Phật giáo. Sống trong bùn, sen là biểu tượng của sự thanh khiết. Sen nhiều tác dụng. Lá gói cốm thơm, hạt làm mứt, nấu chè, nấu canh. Tâm sen (lõi hạt) đun nước giúp ngủ ngon.

 Củ sen ninh sườn, "gạo" đài sen ướp trà là thuốc uống quý. Thật hiếm nhà thành phố có chậu hoa nhài. Bông nhài tươi vẫn dùng để thả vào chè ngọt lẫn trà Thái Nguyên.

Kiếm đâu khóm hoa hồng, nhất là hồng bạch ngày xưa, có cánh cam, bầy ong bay lượn. bông hoa hồng lai tạo hôm nay từ cành không gai cứng đơ, chẳng muốn ngắt cánh ướp nước rửa mặt.

Tìm lại và lưu ý cây cỏ quanh ta, yêu thương chúng hơn, là cách ta tìm lại tuổi thơ, quãng đời gắn bó với gia đình, cha mẹ, ông bà, tìm lại chân dung đã mất hoặc thất lạc của mình...

Đại văn hào V.Hugo (1802 - 1885) đã nói rất hay: "Niềm tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin tưởng. Cuộc đời đã ngắn ngủi như vậy mà chúng ta vẫn rút ngắn nó thêm khi bất cẩn lãng phí thời gian".

Tuỳ bút của VI THUỲ LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh