Bình Thuận: Công khai 33 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mở bán
- Tây Y
- 08:47 - 17/04/2023
Quyết liệt ngăn chặn các dự án chưa đủ điều kiện mở bán
Theo công văn số 962/SXD-QLN&PTĐT ngày 14/04/2023 của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận về việc chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh thì:
Hiện nay Sở này nhận được đơn kiến nghị của người dân và phản ánh của cơ quan báo chí, vẫn còn tình trạng nhiều chủ đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) thực hiện việc rao bán, đặt chỗ, giữ chỗ, đăng ký chuyển nhượng để thu tiền của nhà đầu tư.
Trong khi các hình thức nêu trên không được quy định trong luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật liên quan. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, một số chủ đầu tư hoặc đơn vị môi giới đăng tải quảng cáo thông tin về dự án của mình không đúng với tính chất, mục tiêu và quy mô làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh BĐS tại địa phương. Điều này có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Do đó, để hoạt động kinh doanh BĐS thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư các dự án kinh doanh BĐS (có danh sách 33 dự án và vị trí của dự án) không thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí; đăng tải các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch khi các dự án BĐS chưa đủ điều kiện giao dịch.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án BĐS phải công khai thông tin BĐS đưa vào kinh doanh (theo quy định tại điều 6 luật Kinh doanh BĐS). Ngoài ra, sớm hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khi đủ điều kiện đưa BĐS vào kinh doanh theo quy định.
Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát thông tin các dự án BĐS chưa đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng, nhưng vẫn cố tình thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, để chấn chỉnh kịp thời;
Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh BĐS sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo danh sách Sở Xây dựng Bình Thuận cung cấp công khai, có 17 dự án kinh doanh khu dân cư, khu đô thị và 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Bình Thuận chưa đủ điều kiện đưa vào giao dịch, kinh doanh. Trong đó có các dự án lớn ở Mũi Né, TP.Phan Thiết, thời gian qua rao bán, đặt chỗ, giữ chỗ tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.
Đáng chú ý trong danh sách này có dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết” tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết (do Công ty TNHH Đại Thanh Quang làm chủ đầu tư), đây là dự án đang được dư luận quan tâm hiện nay vì gần 20 năm chưa triển khai được hạng mục nào trong khi Tỉnh vẫn tiếp tục gia hạn đầu tư.
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp King Sea Phan Thiết, gần 20 năm vẫn chỉ là bãi đất cỏ mọc hoang tàn
Năm 2004, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết do Công ty TNHH Đại Thanh Quang làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư.
Năm 2010, dự án được cấp chứng nhận thay đổi lần 1 và đến năm 2018, dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với diện tích đất sử dụng 86ha. Sau đó, ngày 25/7/2022, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1586 cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang thực hiện dự án với diện tích sử dụng đất hơn 82,1 ha.
Mới đây (10/04/2023), trong công văn số 1369/SKHĐT-HTĐT trả lời cho phóng viên Báo Lao động và Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết: “Dựa theo báo cáo của nhà đầu tư tại văn bản 21.05/CV-ĐTQ ngày 21/5/2021, thì dự án King Sea (tên cũ là Khu du lịch biệt thự cao cấp Legend Sea Phan Thiết) chưa được triển khai do chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 (Quy hoạch phân khu khu vực xã Tiến Thành đến nay vẫn chưa được phê duyệt); dự án King Sea vẫn chưa thỏa thuận xong công tác thỏa thuận bồi thường với người dân. Ngoài ra, phần đất thực hiện dự án nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan Quốc gia tỉnh Bình Thuận…”.
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Thuận Lê Ngọc Tiến cho biết thêm: Nếu sau khi đã trừ thời gian bất khả kháng mà Công ty TNHH Đại Thanh Quang vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng thi sẽ tiến hành thu hồi đất.
Tại thông báo kết luận kiểm tra số 69/TB-TCQLĐĐ ngày 21/06/2022 của Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên Môi trường về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nêu rõ: Việc xác định, việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế xã hội ở Bình Thuận còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
Trong đó, dự án King Sea Phan Thiết được xem là điển hình với loạt sai phạm như: Không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, thời gian thực hiện dự án kéo dài (xin được đất xong bỏ trống, không đầu tư xây dựng công trình trên đất, dự án không đưa đất vào sử dụng trên 10 năm) không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận, nhân dân.
Cụ thể, gần 20 năm kể từ ngày được phê duyệt, chủ đầu tư dự án – Công ty TNHH Đại Thanh Quang chưa hề triển khai công tác thỏa thuận, bồi thường cho 30 hộ dân ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. Không chỉ cuộc sống bị ảnh hưởng vì chưa được đền bù, nhà cửa người dân nơi đây rơi vào cảnh tạm bợ, hư hỏng, mà không thể xây mới vì vướng quy hoạch.