Bình Dương: Khuyến cáo người dân khi thực hiện giao dịch bất động sản
- Tây Y
- 13:56 - 08/01/2019
Thời gian qua, giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn ra khá sôi động và phức tạp, kéo theo ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người thực hiện giao dịch và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện các thủ tục về đất đai.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo một số điều cần lưu ý khi thực hiện giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh như:
Phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận). Khi thực hiện giao dịch bất động sản phải có Giấy chứng nhận và phải xem kỹ các nội dung trong Giấy chứng nhận (Lưu ý: diện tích thửa đất cần mua phải khớp với diện tích có trong Giấy chứng nhận; thửa đất đã chuyển nhượng một phần diện tích nhưng chưa làm thủ tục tách thửa; đã thực hiện các biến động nào rồi...).
Đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến tính pháp lý của thửa đất, hạn chế được những tranh chấp dân sự trong quá trình thực hiện giao dịch bất động sản và hạn chế những phát sinh nếu thửa đất thuộc diện thu hồi, nằm trong quy hoạch sau này.
Nhiều dự án chưa được phê duyệt chủ đầu tư đã phân lô bán nền
Rõ ràng về tính pháp lý
Khách hàng trước khi thực hiện giao dịch cần kiểm tra kỹ các thông tin thửa đất cần mua có nằm trong các diện quy hoạch, kê biên, tranh chấp, thế chấp, hết thời hạn sử dụng đất..., đặc biệt là đối với những loại đất có giá thành khá rẻ. Ngoài ra, người sử dụng đất cần lưu ý, việc phân lô bán nền hoặc tách thửa đất phải đúng quy định và đúng diện tích đã được phê duyệt mới được phép tách thửa.
Đối với đất dự án cần tìm hiểu rõ về: Thông tin về chủ đầu tư (kinh nghiệm thực hiện các dự án trước đâv, chủ đầu tư thực sự của dự án, trường hợp chủ đầu tư là môi giới thì phải có giấy ủy quyền môi giới,...); Giấy tờ pháp lý của dự án (chủ trương của UBND tỉnh; Quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt; Quyết định giao đất; các giấy tờ chứng minh chủ đầu tư đã nghĩa vụ tài chính; văn bản xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chủ đầu tư đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng thông tin viễn thông, cấp thoát nước;...); khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư; tên dự án phải khớp với chủ trương đầu tư dự án...
Hiện, một số chủ đầu tư do năng lực tài chính yếu kém, lợi dụng tình trạng “sốt đất” và nhu cầu về nhà ở của người lao động để tổ chức hợp đồng đặt cọc mua bán, giao dịch, đặt chỗ, bán nền... tại các dự án khu nhà ở, khu đô thị khi thủ tục pháp lý còn chưa đầy đủ, hạ tầng chưa hoàn thiện. Điều này không đúng quy định pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản (theo quy định, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc đều không có giá trị pháp lý), mang lại rủi ro rất lớn cho người dân khi thực hiện giao dịch, mua bán tại các dự án này.
Người dân khi mua đất nền hay căn hộ cần tìm hiểu pháp lý rõ ràng
Tuyệt đối không giao dịch bất động sản qua hình thức “mua bán viết tay”, “mua sổ chung”
Thực hiện theo Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai, các giao dịch về quyền sử dụng đất phải lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng đất cũng không nên mua đất nền chung sổ vì sau này có khả năng xảy ra tranh chấp hoặc không tách được sổ do không đủ điều kiện tách thửa theo quy định.
Nội dung hợp đồng phải thể hiện rõ ràng, đầy đủ các thông tin cần thiết: Tên, địa chỉ của các bên; quyền, nghĩa vụ của các bên; loại đất, số hiệu, diện tích, vị trí, ranh giới và tình trạng đất; giá chuyển nhượng, đối tượng nộp phí, lệ phí theo quy định; phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán; thời hạn giao đất, thời gian bàn giao giấy chứng nhận và đặc biệt là trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng, những thỏa thuận về vấn đề vi phạm hợp đồng như vi phạm tiến độ, thay đổi quy hoạch...).
Đối với các cơ quan nhà nước và chủ đầu tư: các Sở, ngành chức năng phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và yêu cầu Chủ đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh cam kết phải thực hiện hoàn chỉnh kết nối hạ tầng và các quy định trước khi đưa vào giao dịch, mở bán dự án; căn cứ quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để rà soát, đánh giá kỹ nhu cầu, hạ tầng xung quanh, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương; đối với các dự án triển khai chậm, kéo dài, không còn khả năng thực hiện... thì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý, thu hồi dự án theo đúng quy định.
Đối với người sử dụng đất: thường xuyên phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình hoạt động các dự án bất động sản, nhà ở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những dự án có dấu hiệu tổ chức mua bán, giao dịch khi chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật, có khả năng gây thiệt hại cho lợi ích của khách hàng và người dân; làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có những báo cáo, xử lý kịp thời.
Liên hệ bộ phận tư vấn pháp lý hoặc qua đường dây nóng tại bộ phận “một cửa” để được giải đáp thắc mắc về các thủ tục hành chính