Bình Định: Đề xuất các giải pháp đối phó với nạn thiếu nước trong vùng dân cư
- Tây Y
- 18:39 - 10/07/2018
Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS- VSMTNT) của Sở NN-PTNT Bình Định, nắng nóng kéo dài gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại khu vực đông nam huyện Phù Cát và huyện Tuy Phước. Những điểm dân cư thiếu nước nghiêm trọng nhất huyện Phù Cát là thôn Chánh Khoan (xã Cát Nhơn) với 50 hộ, thôn Trung Lương (xã Cát Tiến) 200 hộ và thôn Kim Đông thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) 50 hộ.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết, trước mắt địa phương vận động bà con ở đầu nguồn sử dụng nước tiết kiệm, về lâu dài sẽ tìm nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp đường ống dẫn nước và nhà máy nước Phước Nghĩa.
Người dân xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) phải đi chở từng can nước về dùng
Ông Nguyễn Chí Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến chia sẻ: “Đường ống nước sạch được lắp đặt đến từng hộ dân, nhưng đến mùa nắng nóng lại không phát huy được tác dụng. Trong đó, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất diễn ra tại thôn Trung Lương và khu tái định cư xã Cát Tiến”.
Dự báo trên địa bàn Bình Định nắng nóng sẽ còn kéo dài và ngày càng gay gắt, trước tình hình này ngành chức năng đang đề ra các giải pháp thiết thực nhất để đối phó với tình trạng thiếu nước đang diễn ra khắp nơi.
Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm NS - VSMTNT, lý do nhà máy cấp nước sinh hoạt đông nam Phù Cát xây dựng tại xã Cát Nhơn vào năm 2013 với công suất 100 khối/giờ, qua 6 năm khai thác và sử dụng, hiện nguồn nước trong các giếng đã suy kiệt. Trong khi nắng nóng gia tăng, nhu cầu sử dụng nước tăng theo, nên dù nhà máy chạy 24/24h vẫn cấp nước không đủ cho người dân.
“Công trình này được thiết kế cung cấp nước cho 4.915 hộ dân, nhưng hiện nay đã cung cấp cho gần 6.000 hộ, khiến cho nhà máy “đuối nước”, không cung cấp nước được đến các xã nằm cuối đường ống. Thêm vào đó, trong xây dựng NTM, khi làm đường bê tông, kênh mương nội đồng và 1 số công trình ở đường trục 1 Khu kinh tế Nhơn đã làm hư 1 số đường ống, ngành chức năng phải xử lý. Trong thời gian xử lý thì không thể cấp nước được”, ông Tánh cho hay.
Hiện Trung tâm NS - VSMTNT đang phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt, tổng hợp tình hình thiếu nước của người dân. Song song đó, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, đề ra lịch cung cấp nước luân phiên nhưng vẫn đủ nước cho người dân sử dụng, tránh cung cấp cùng lúc gây tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, nỗ lực bổ sung nguồn nước bằng cách khoan các giếng mới.
Người dân xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) chắt chiu từng ca nước.
"Căn cứ trên năng lực cung cấp nước hiện có, chúng tôi phối hợp với các địa phương khảo sát, xác định những vùng đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng để đề ra giải pháp cụ thể, đồng thời đề xuất với Sở NN-PTNT và UBND tỉnh có hướng hỗ trợ kinh phí để vận chuyển nước đến cung cấp cho người dân ở những vùng không thể cấp nước”, ông Tánh cho biết thêm.
Thậm chí ngay cả phương án chở nước từ nơi khác về cho người dân cũng đã được tính đến. Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Gíam đốc Sở NN-PTNT chia sẻ: “Hiện tình trạng thiếu nước cục bộ cũng diễn ra tại các xã Tam Quan Bắc, Hoài Thanh, Hoài Đức, Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn); Mỹ Chánh, Mỹ Quang, Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ); Bình Tân, Bình Thuận, Bình Nghi (huyện Tây Sơn)... Sở NN-PTNT đang triển khai phương án chở nước đến cấp cho người dân".
Tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt vào dịp hè mỗi năm trước hết là gây khó khăn trực tiếp với đời sống của người dân, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, chương trình xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh.