Biến thể BA.4 và BA.5 chiếm ưu thế tại Mỹ, WHO ra cảnh báo mới về đại dịch COVID-19
- Tây Y
- 10:35 - 13/07/2022
Vietnamplus đưa tin, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 12/7 đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại nước này, trong đó cho biết hơn 80% các ca mắc mới tại nước này nhiễm BA.4 và BA.5 - hai biến thể phụ của Omicron.
Theo báo cáo trên, BA.5 đã trở thành biến thể gây lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ khi chiếm tới 65% các ca nhiễm mới trong tuần kết thúc ngày 9/7, còn BA.4 chiếm khoảng 16,3%. CDC cho biết số ca mắc mới nhiễm hai biến thể phụ trên đã gia tăng mạnh từ giữa tháng 5.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo đây là hai biến thể phụ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn các biến thể phụ khác của Omicron (Omicorn có 5 biến thể phụ gồm BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5). Ngoài ra, hai biến thể này được cho có khả năng lẩn tránh vaccine ngừa COVID-19.
Giáo sư, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững thuộc Đại học Columbia, Jeffrey Sachs bày tỏ lo ngại số ca mắc mới tại Mỹ sẽ liên tục gia tăng vào mùa Hè hoặc mùa Thu năm nay bởi đây là thời điểm học sinh quay lại trường học và các sự kiện trong nhà được nối lại.
Do đó, các chuyên gia y tế nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế hiện hành như đeo khẩu trang ở những địa điểm không gian kín, tránh nơi tập trung đông người và tiêm các mũi vaccine tăng cường để ngăn chặn nguy cơ bệnh chuyển nặng, phải nhập viện hoặc tử vong do BA.4 và BA.5.
Thông tin trên báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đưa tin, ngày 12/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng những đợt lây nhiễm COVID-19 gần đây cho thấy đại dịch vẫn đang hoành hành, chưa có dấu hiệu kết thúc, hãng AFP đưa tin.
Ông Tedros lo lắng rằng số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng, gây thêm áp lực lên các nhân viên và các hệ thống y tế vốn đang căng thẳng.
“Các đợt bùng phát mới chứng tỏ rằng COVID-19 chưa hề kết thúc. Virus hiện đang lưu hành tự do và nhiều nước không có đủ khả năng đẩy lùi dịch bệnh” - ông nói.
“Khi việc lây truyền COVID-19 và số ca nhập viện gia tăng, các chính phủ cũng phải triển khai các biện pháp đã được kiểm nghiệm như yêu cầu người dân đeo khẩu trang, cải thiện hệ thống thông gió, tiến hành xét nghiệm và điều trị” - ông Tedros nói thêm.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO về COVID-19 đã họp trực tuyến hôm 8-7 và xác định đại dịch vẫn là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC). Đây là mức báo động cao nhất của WHO.
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO - ông Michael Ryan cho biết số ca nhiễm mới COVID-19 đã tăng 30% trong hai tuần qua. Theo ông, phần lớn nguyên nhân là do các biến thể phụ của chủng Omicron (BA.4 và BA.5) và việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây ra.
Theo ông Ryan, những thay đổi gần đây trong chính sách xét nghiệm đang cản trở việc phát hiện các ca bệnh và theo dõi sự tiến hóa của virus. Nhóm đã bày tỏ quan ngại về việc giảm thiểu xét nghiệm, dẫn đến giảm khả năng giám sát và giải trình tự bộ gen của virus.
Ủy ban khẩn cấp của WHO cho biết quỹ đạo tiến hóa của virus và đặc điểm của các biến thể mới nổi vẫn "không chắc chắn và không thể đoán trước". Theo đó, việc thiếu các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ làm tăng khả năng xuất hiện “các biến thể mới, lạ hơn, với các mức độ độc lực, khả năng lây nhiễm và miễn dịch khác nhau”.