THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:24

Biên soạn sách giáo khoa phổ thông: Cần phù hợp với thực tế, tránh lãng phí

 

Tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); cho rằng các nội dung của dự thảo luật đã tiếp thu được tối đa các ý kiến góp ý từ phiên họp trước, bám sát các Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa hơn nữa các nội dung quy định của dự thảo Luật.

Về nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông,  Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Dự án Luật


Dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa (Điều 31); bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi ban hành (khoản 1 Điều 31).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bám sát tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu phù hợp với thực tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc các trường lựa chọn dạy bộ sách giáo khoa nào sau khi tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh… là quá phức tạp. Bên cạnh đó, làm nhiều bộ sách sẽ xảy ra tình trạng các đơn vị biên soạn “chạy” để bộ sách của mình được sử dụng, gây ra tình trạng lãng phí.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, hiện nay vấn đề sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua đang gây phản ứng không tốt trong xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định mỗi một môn học đều có một hoặc một số sách giáo khoa và cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh cũng gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Theo ông Hà Ngọc Chiến việc quy định như vậy có thể phù hợp với bậc học cấp 3 nhưng lại chưa cần thiết đối với bậc học mầm non và bậc tiểu học, có thể sẽ gây lãng phí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định này.

 

Toàn cảnh phiên họp


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất, nên xây dựng một bộ sách giáo khoa chính thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các chuyên gia, các tổ chức xã hội… có thể tham gia biên soạn các loại sách tham khảo theo đúng tinh thần xã hội hóa, để người học lựa chọn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là một nội dung quan trọng, trong thời gian tới cần phải đưa vào hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận thêm.  

Ngoài ra, trước thực trạng xã hội có nhiều vụ việc tiêu cực về hành vi ứng xử của giáo viên đối với học sinh, một số ý kiến UBTVQH đề nghị cần bổ sung thêm các điều cấm chung; đồng thời quy định rõ nghĩa vụ và quy chế đạo đức của giáo viên vào ngay dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới theo hướng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, nhưng về chất lượng thì Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường, cha mẹ học sinh là để đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt trong giảng dạy, đặc biệt là để phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng địa phương, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của mỗi vùng, miền và cộng đồng dân cư.

Giải trình về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn có Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Vì vậy, sau khi được thẩm định, các sách giáo khoa đưa vào lưu hành đều là sách giáo khoa chuẩn quốc gia.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh