THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:32

Biên chế cứ “phình ra” thì không thể nào cơ cấu lại ngân sách

 

Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015. 

Theo báo cáo của Chính phủ và kết quả kiểm toán, về cơ bản các bộ, ngành, đơn vị và các cấp ngân sách đã thực hiện tốt công tác kế toán, khoá sổ, lập báo cáo quyết toán, thẩm định, phê duyệt quyết toán theo quy định của Luật NSNN.

 

ĐBQH Mai Sỹ Diến - tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015

 

Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 đã được Bộ Tài chính lập trên cơ sở thẩm định, tổng hợp từ quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan trung ương, có đối chiếu, xác nhận với Kho bạc Nhà nước và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán. 

Như vậy, công tác thực hiện quyết toán NSNN năm 2015 đã tuân thủ quy trình, thủ tục theo luật định. Tổng thu cân đối NSNN năm 2015 là 1.291.342 tỷ đồng, trong đó các khoản thu theo dự toán được QH quyết định là 998.217 tỷ đồng, tăng 9,6% (87.117 tỷ đồng) so với dự toán. 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá, nhiều năm nay, quyết toán chưa phản ánh đúng số thu ngân sách làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Đại biểu phân tích nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo dự toán không phải theo số thực tế phải hoàn thuế. Những năm gần đây, Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa triệt để do không thể dự toán chính xác, tuyệt đối số hoàn thuế. 

Theo đó, đại biểu Hàm đề nghị Chính phủ cần đổi mới công tác quyết toán thu theo 2 cách: Thứ nhất, kịp thời trình QH điều chỉnh dự toán hoàn thuế theo đúng thực tế, để quyết toán chính xác số thu ngân sách. Cách thứ hai là chỉ đưa vào thu ngân sách số thu ngân sách nhà nước thực sự được hưởng, là số thu sau khi đã trừ hoàn thuế. 

Đề cập tới việc thực hiện kỷ luật ngân sách, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng những vấn đề nổi cộm như chuyển nguồn lớn, ứng trước và thu hồi vốn ứng không đúng quy định... vẫn diễn ra.

Kết quả thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị đều tăng thu ngân sách ở các mức độ khác nhau, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập, phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA bất cập, yếu kém, QH đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được khắc phục.

ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với QH khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. 

Cho rằng báo cáo còn ghi rất chung chung, xử lý 402 tổ chức và 78 cá nhân, ĐB Nguyễn Hồng Vân đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn trong việc xử lý thực hiện để rõ hơn trước khi ĐBQH bấm nút.

 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ một số ý kiến của ĐBQH


Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng: Thu NSNN tăng hơn 87 nghìn tỷ đồng nhưng việc tăng thu chủ yếu từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất. Đây là nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực của nền kinh tế, nhưng tình trạng này đã xảy ra từ năm 2011- 2015. 

Nguyên nhân vấn đề trên là các địa phương khi lập dự toán thu là ước thực hiện thấp hơn khả năng thực hiện, các địa phương tăng thu nhưng việc thu hồi vốn ứng trước dự toán năm 2015 hơn 79 nghìn tỷ đồng qua nhiều năm chưa được thu hồi, việc ứng trước dự toán không bảo đảm tuân thủ đúng Nghị quyết của QH giao cho Chính phủ. 

Theo đại biểu này, báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan cụ thể là gì và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân. 

Theo kết quả của kiểm toán nhà nước, chi đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế, yếu kém ở tất cả các khâu, hoặc là do yếu kém về chuyên môn, hoặc là do đạo đức của cán bộ công chức.

Những nguyên nhân trên cần phải xử lý triệt để để thực hiện tinh giản biên chế...

Báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Sau khi thông qua dự toán về NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm, cam kết địa phương rồi, liệu có cắt địa phương không. Chúng tôi thấy rất khó", Bộ trưởng nói. 

"Như vậy chúng ta phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn chính là phải tập trung tiết kiệm chi. Nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoản chi và đặc biệt chi thường xuyên là phải đẩy mạnh khoán”, Bộ trưởng ĐInh Tiến Dũng nhấn mạnh thêm.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thì mới giải quyết được vấn đề về tiền lương

“Bây giờ có “cắt” cái gì thì vẫn “cắt” nhưng biên chế cứ “phình ra”, tổ chức cứ “phình ra” thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Việc QH và các đại biểu phản ánh rất đúng nhưng cần có sự phối hợp, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành cùng phải thực hiện, cùng phải triển khai hiệu quả thì NSNN mới từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh