Bị từ chối phục vụ trên cao tốc, chủ xe có thể khởi kiện VEC E ra tòa
- Tây Y
- 13:53 - 12/02/2019
Việc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 ô tô có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Lý do, 2 phương tiện này đã có các hành vi vi phạm các quy định theo quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC E quản lý, khai thác... đã khiến dư luận 'nổi sóng' với nhiều ý kiến trái chiều.
Trạm thu phí Dầu Giây nơi diễn ra sự việc |
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) cho hay, VEC E không có quyền được hạn chế quyền công dân, quyền đó được Hiến pháp quy định. Trong Hiến pháp ghi rõ, mọi công dân đều có quyền được tự do đi lại.
“VEC E căn cứ vào quy định nội bộ của công ty để cấm các xe này lưu thông trên các tuyến cao tốc do VEC E quản lý, khai thác. Về nguyên tắc các quyết định nội bộ không được trái luật và trái luật thì nó không có giá trị", vị luật sư thẳng thắn nói.
Theo luật sư Hưng, quy định này là trái pháp luật, chắc chắn sẽ phải được rút lại. Trường hợp nếu hai chiếc xe trên lưu thông qua các tuyến đường cao tốc của VEC E mà không được phục vụ thì tài xế có thể khởi kiện ra tòa. Bởi, người dân lưu thông qua đường cao tốc, VEC E chỉ là đơn vị quản lý và khai thác, vận hành, tất cả việc quản lý, khai thác, vận hành phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ và pháp luật nói chung.
"Nếu người dân lưu thông trên cao tốc có vi phạm thì điều chỉnh bởi các quy định liên quan, ví dụ vi phạm Luật giao thông thì xử phạt hành chính về Luật giao thông, gây rối trật tự công cộng thì xử lí về gây rối, nếu nặng thì có thể truy cứu về trách nhiệm hình sự. Trường hợp này VEC E không thể tước quyền đi lại của người dân được. VEC E sai hoàn toàn rồi”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.
'Cứng nhắc và không cần thiết...'
Còn luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, việc VEC E từ chối phục vụ 2 khách hàng có số xe mang BKS 51A-55850 và 51G-77256 là thuộc thẩm quyền của cơ quan này, vì đây đường cao tốc do VEC E bỏ tiền xây dựng, quản lý và VEC E hoàn toàn có quyền kiến nghị từ chối phục vụ.
Trước đây, VEC E đã từ chối phục vụ hàng chục nghìn trường hợp xe chở quá tải, không trả phí… Đối với các hành vi gây rối trật tự; đe dọa, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc; cố tình làm hư hỏng tài sản đường cao tốc… sẽ bị từ chối phục vụ từ 30- 60 ngày hoặc từ chối phục vụ vĩnh viễn nếu tái phạm lần 4.
Đối với những trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, VEC sẽ áp dụng việc từ chối phục vụ vĩnh viễn ngay từ lần vi phạm thứ nhất và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xử lý vi phạm.
Việc tiếp tục phục vụ trở lại các phương tiện đã vi phạm chỉ được thực hiện khi các chủ phương tiện cung cấp cho Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VECG) bản cam kết không tái diễn việc vi phạm.
Tuy nhiên, thế nào là có hành động phá hoại tài sản, có hành vi gây rối thì không thuộc thẩm quyền của VEC mà thuộc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì vậy, VEC E tự nhận định để từ chối phục vụ là cứng nhắc và không cần thiết và vô tình hạn chế quyền đi lại của người dân mà Hiến pháp đã quy định quyền của công dân là được quyền đi lại. Đây chỉ là hành vi vi phạm về giao thông nên chỉ nên áp dụng hình thức từ chối phục vụ 1 thời hạn nhất định.
Hiện nay, trong các quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt không có bất cứ chế tài nào về việc cấm xe lưu hành trên đường cao tốc với lý do trước đó xe đã từng vi phạm trên hệ thống đường này. Do vậy, việc VEC E cấm hai xe trên là không có căn cứ.
Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC E quản lý, khai thác không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể cấm phương tiện lưu thông.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng khẳng định, việc từ chối phục vụ lưu thông của VEC E là vi phạm Hiến pháp, trái pháp luật. Mọi người đều có quyền đi lại ở bất cứ nơi đâu nếu pháp luật không hạn chế quyền đi lại. Đây là đường công cộng của Nhà nước chứ không phải đường của VEC E, VEC E chỉ là đơn vị thi công mặt đường để thu phí chứ không phải là đơn vị sở hữu đường nên không có quyền từ chối phục vụ.