Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế chỉ đạo khẩn công tác phòng, chống bão Noru
- Tây Y
- 17:47 - 26/09/2022
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão, lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 855/CĐ-TTg, ngày 25/9/2022 Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Nắm chắc tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó theo kế hoạch đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế yêu cầu hủy, hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ. Chỉ đạo bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ trong mọi tình huống. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, kích hoạt các hình thức cảnh báo thiên tai để nhân dân biết và chủ động phòng, chống.
Thừa Thiên Huế khẩn trương rà soát và kiên quyết di dời người dân ra khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lỡ, ngập sâu, lũ quét; không để người dân ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản... Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ thủy lợi, thủy điện. Chỉ đạo huy động các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho nhân dân, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; triển khai cắt, tỉa cây xanh có khả năng gãy, đỗ; hướng dẫn tàu thuyền neo, đậu đúng cách, đảm bảo an toàn tài sản cho ngư dân; tăng cường kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lưới điện, chủ động phương án cấm người, phương tiên lưu thông, nhất là trước và trong khi bão đổ bộ và mưa lũ. Căn cứ diễn biến và dự báo bão, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn cho công nhân; chỉ đạo xem xét thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học.
Chỉ đạo sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chỉ đạo lực lượng công an, quân đội giữ gìn an ninh và bảo vệ tài sản của nhân dân, kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế cũng phân công, điều chỉnh các đồng chí Ủy viên Thường vụ cấp ủy trực tiếp xuống địa bàn được phân công để chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó bão, lũ lụt.
Về công tác triển khai biện pháp ứng phó bão Noru, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBDN tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện thị xã và thành phố Huế đã đi hiện trường kiểm tra thực tế các công trình giao thông, thủy lợi, hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình trọng điểm dọc bờ biển của tỉnh.
Về công tác kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản, trong đó có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đến 20h00 ngày 25/9 tàu thuyền toàn tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu kê gọi tàu thuyền; ban hành Công điện, bố trí phương tiên và lực lượng tổ chức hướng dẫn sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu. Đã thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25/9/2022.
Các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như: Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, các khu neo đậu: Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền; đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão.
Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhận được thông báo của Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực II về việc tàu China Board1 (Quốc tịch Panama, trọng tải 4914,5 DWT, tàu không có hàng) đang hành trình từ Vũng Tàu đi Ma-Cau gặp sự cố máy chính vào khoảng 10h ngày 25/9/2022, tại vị trí có tọa độ 16o34’180N, 107o52’300E. Hiện tại tàu đang thả trôi, trên tàu có 14 thuyền viên (5 người Việt Nam và 9 người Trung Quốc).
Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Công ty China Board Logistics Co,.LTD, China (Chủ tàu), Công ty TNHH Thương mại và Logistics Thái Bình Dương (Đại lý tàu CHINA BOARD 1), thuyền trưởng tàu có phương án lai kéo tàu về nơi neo đậu an toàn, phương án cứu người kịp thời trước khi bão số 4 đến.
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đã tiến hành rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn, với tổng số hộ dân khoảng 13.636 hộ/44.681 nhân khẩu.
Trên cơ sở phương án, căn cứ diễn biến về tình hình bão, lũ, các địa phương sẽ điều chỉnh số lượng người sơ tán, quyết định thời gian và ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo.
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, Trung tâm Công viên cây xanh thành phố Huế cũng đã triển khai cắt tỉa, gia cố cây xanh tại các khu đô thị với khối lượng trên 90%. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh.