THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:39

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân 'đặt hàng' cho thanh niên

 

Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân với thanh niên TP.HCM

 

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bởi vì, đây là một trong những vấn đề mà người dân TP.HCM rất bức xúc và quan tâm. Làm được vấn đề này rồi, Đoàn sẽ làm sang vấn đề khác như giám sát xây nhà không phép...
Những “đặt hàng” của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra sau khi lắng nghe hơn 15 lượt ý kiến, nguyện vọng trong buổi gặp gỡ vào ngày 21/5 với 80 gương mặt tiêu biểu đại diện cho thanh niên TP.HCM trên nhiều lĩnh vực.
Trước đó, mở đầu buổi gặp, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ: “Sau 42 năm giải phóng, TP.HCM hiện nay có khoảng 9 triệu dân, dân số tăng gấp 3 lần nhưng diện tích không tăng. Chúng tôi muốn lắng nghe ý những cảm nhận, ý kiến, vai trò của thanh niên trong việc phát triển TP.HCM cũng như những đề xuất, hiến kế, những việc mà thanh niên đang làm, đang quan tâm, đặc biệt là về vấn đề nghiên cứu, sáng tạo”.
 
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: ”Tôi sẵn sàng tình nguyện đóng góp một ngày/tuần làm việc trí tuệ không lương để phát triển thành phố”.
 
Là người phát biểu đầu tiên, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên trẻ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (người có nhiều công trình sáng tạo như Mắt thần cho người mù...), trăn trở: “Thành phố có 2- 3 triệu thanh niên, trong đó nhiều người rất sáng tạo và năng động. Cần phải làm sao biến sức trẻ dư năng lượng, thiếu định hướng thành ngoại tệ chảy về thành phố? Có tiền, chúng ta sẽ xây dựng được nhiều thứ hơn... Bản thân tôi sẵn sàng tình nguyện đóng góp 1 ngày/tuần làm việc trí tuệ không lương để phát triển thành phố”.
Tiếp nối ý kiến trên, tiến sĩ Trần Hữu Lộc, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng TP.HCM hiện còn tồn đọng nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề có thể huy động sức trẻ tham gia giải quyết, chẳng hạn chuyện kẹt xe. Theo tiến sĩ Lộc, thay vì phải bỏ ra hàng tỉ đô la thì chúng ta có tận dụng những giải pháp về mặt công nghệ để giải quyết.
 
Sinh viên nêu ý kiến trong cuộc gặp
 
“Dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Chúng ta không nên quá tự hào nghèo mà học giỏi mà phải đặt vấn đề: Tại sao hiếu học mà vẫn nghèo?”, tiến sĩ Lộc trăn trở.
Theo anh Lộc, cần có mạng lưới kết nối, tương tác giữa những người trẻ sáng tạo với nhà quản lý, doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân có thế mạnh liên quan. Tiến sĩ Lộc dẫn chứng: Việc một học sinh VN chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật vừa đoạt giải 3 ở Mỹ là sự kiện rất đáng tự hào. Tuy nhiên, sau niềm tự hào đó cần nghiên cứu xem sản phẩm đó có thể triển khai đại trà được không.
Nhiều bạn trẻ khác đã đặt vấn đề việc lãnh đạo thành phố cần có chính sách quan tâm hơn đến khởi nghiệp, đến văn hóa nghệ thuật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là phát huy nguồn lực trẻ tham gia giải quyết những bức xúc của xã hội...
Kết thúc cuộc gặp, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Tôi tự hào về thế hệ đoàn viên thanh niên thành phố. Tôi hoan nghênh ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đó là sẵn sàng tình nguyện đóng góp những ngày làm việc trí tuệ không lương để phát triển thành phố. Điều này thể hiện tấm lòng, tình cảm của người dân đối với thành phố. Từ những ý kiến này, lãnh đạo thành phố cần phải quyết liệt nữa để giải quyết những tồn đọng, bức xúc của người dân”.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh